Thứ Bảy, 30 tháng 5, 2015

TRÁNG SĨ HÀNH CA

. 
Vung kiếm ta ca, hề, Sát Thát
Vỗ gươm ta hát, hề, Nam chinh
Vẫy súng ta thề, hề, Bắc phạt
Ôm đàn ta mơ, hề, thái bình

Chỉ trời ta chiếm, hề, một cõi
Chỉ đất ta trấn, hề, một phương
Gặp biển chung lưng nhau tát cạn
Gặp núi nắm tay cùng xẻ đường

Ta bạo lực, hề, không khuất phục
Ta giàu sang, hề, không đổi lòng
Coi công danh, hề, con nước đục
Coi tử sinh, hề, nhẹ như không

Đêm mơ kiếm reo đền Kiếp Bạc
Ngày đợi rùa thiêng dâng kiếm thần
Áo vải anh hùng người Nguyễn Huệ
Cỡi voi về vui XUÂN THĂNG LONG

Giữa khuya nghe Đại Cáo Bình Ngô
Hùng khí lung lay bóng nguyệt mờ
Bỗng thấy rừng Lam Sơn trống giục
Chiến bào Lê Lợi gió phất phơ

Ta ôm chí lớn trong thiên hạ
Ta sống ngang tàng như đại dương
Thân đứng thẳng không bao giờ chịu cúi
Sáng hoang vu như một mảnh trăng rừng

Ta tráng sĩ, hề, chừ lên đường
Ta hảo hán, hề, chỉ thèm say
Ai tri kỷ, hề, cùng ta nâng chén
Bạch mã dong cương, hề, ta đi đây!

Thầy TRẦN ĐẠI TĂNG

Thứ Ba, 26 tháng 5, 2015

THẦY TÔI

.
Thầy tôi,
ươm hoa trên vùng đất mặn
Một buổi sáng mùa thu, sau những ngày mưa tầm tã và cơn bão mới vừa thổi lướt qua thành phố, trời trở lại trong xanh, cao vòi vọi, tiết thu se lạnh và nắng vừa mới lên trải nhẹ những vệt sáng lung linh trên tầng lá cây trong khuôn viên tu viện. Tôi và vài bạn đồng nghiệp đến thăm Thiền viện Bồ Đề để chiêm ngưỡng tòa Bảo Tháp, đang trong giai đoạn hoàn thiện sau cùng. Thầy Hòa thượng viện chủ niềm nở tiếp chúng tôi tại nhà khách với bánh ngọt, trái cây, trà xanh và cả mùi thơm của hương trầm từ chánh điện bay phảng phất trong gió nhẹ ban mai.
Thầy viện chủ năm nay trạc tuổi ngoài bảy mươi, trong bộ nâu sầm, với dáng đi chậm rãi đầy vẻ trầm tư, trông Thầy dường như sức khỏe đang bị suy giảm. Có lẽ, một phần do gánh vác việc Phật sự, phần khác lo lắng chu toàn viên mãn đại nguyện đối với chư vị Bồ tát chư vị Phật, phát tâm Bồ đề liên tục không gián đoạn trong thanh tịnh hạnh chưa hề ngừng nghĩ và cầu Đại Thừa đạo chưa hề mệt mỏi.
Dù ẩn mật trong sự vắng vẻ, khiêm tốn, cô liêu, tỉnh mịch sau cánh cổng chùa, sự sống vẫn là những đợt sóng thăng trầm giữa đại dương mộng tưởng, nhà chùa vẫn phải là chứng nhân cho những trò đời dâu bể. Mỗi lát cắt trên dòng chảy cuồn cuộn của lịch sử, tất yếu sẽ làm tung tóe, làm xung động mọi thứ trong “cõi người ta” vốn dĩ tự tính là vô thường, nhưng với bản hoài của tu sĩ, lần theo dấu chân của đức Thế Tôn để sống đời ly dục, giải thoát, bao giờ cũng ước nguyện được tự tại trong mọi hoàn cảnh thuận nghịch, làm sao cho tầm thường được tự chủ, có tinh thần vô úy, trong mọi thời, mọi cảnh, phát triển Bồ đề tâm tức tâm lợi tha cầu giác ngộ thành Phật để có thể cứu giúp, để mưu cầu hạnh phúc cho tất cả chúng sinh bằng Bồ đề nguyện và Bồ đề hạnh.
Thiền viện Bồ Đề được kiến lập trong tâm tư đó và trong hoàn cảnh đó. Thiền viện được nuôi dưỡng như một trẻ sơ sinh trong vòng tay ôm ấp của mẹ, không thể không bị cảm ứng bởi sự thay đổi của nắng sớm mưa chiều, của phong ba, bão táp, đang lúc Thầy viện chủ hãy còn là một Tăng sĩ trẻ, nho nhã văn nhân của bậc Thanh Văn.
Đến hôm nay, Thiền viện tròn 25 tuổi, một khoảng thời gian quá ngắn đối với vô thỉ vô chung, nhưng cũng dài đối với tồn tại của sắc thân hữu hạn con người. Thiền viện tọa lạc trên khu đất rộng trên 3400 mét vuông mà sự sở hữu cũng là một thiện duyên của Thầy. Ngoài ngôi Bảo Tháp vừa mới xây dựng, phần còn lại gồm chánh điện thờ Phật Thích ca và là nơi để Phật tử đảnh lễ, một nhà khách rộng rãi và các tịnh thất chung quanh chùa. Tất cả được xây dựng bằng vật liệu thông thường tôn, gỗ và nền bằng xi măng. Trong vườn chùa có trồng nhiều cây cối nhất là các cây bồ đề với tàng lá xanh rợp bóng, che mát cho những ngày nắng hạn, che lạnh trong những ngày đông giá buốt, hòa mình vào  cõi hư không tịch mặc, mầu nhiệm, hòa quyện với âm vọng của tiếng chuông, tiếng mõ, của câu kinh cứu độ lắng vào nơi sâu thẳm lòng người cho những ai đến đảnh lễ cầu Phật, để được giao hộ cho sự bình yên và phúc lộc, tạo nên cảm giác sâu lắng, thoát ly những ham muốn, từ những ham muốn kiêu sa, phóng dật cho đến những ham muốn tầm thường, nhỏ nhoi được xem là ràng buộc của định mệnh nhân sinh.
Có lẽ từ trong sâu thẳm thâm căn đó và tuy rằng Thiền viện ở xa phố thị, ở xa trung tâm náo nhiệt của Thành phố, phật tử đã đến đây đãnh lễ ngày càng đông đảo. Đặc biệt mỗi tháng vào ngày mồng một, phật tử đăng ký dự lễ Bát Quan Trai có đến hơn 700 người, ngồi xếp trên chiếu từ trong chánh điện ra đến ngoài sân, im lặng chăm chú nghe Hòa thượng viện chủ giảng Phật pháp và dùng cơm trưa tại chùa.
Trước nhà khách và dưới tàng cây bồ đề, tôi chăm chú nhìn bức tượng rất lớn của Bồ – Tát Di lặc, vị Phật tương lai. Di Lặc là vị “hóa thân thiên ngàn ức”, đôi khi là dạng một vị Hòa thượng mập tròn đùa giỡn với trẻ con, đôi khi làm trời, làm người hướng đạo … Người mang mọi dạng hình, đi khắp bốn phương để giáo hóa Tinh Không, như có 1 lần Di Lặc nói với Thiện Tài:
“Thiện nam tử, hãy thức dậy! Pháp tính là như vậy. Bồ – tát biết tất cả các pháp do nhân duyên kết tụ lại mà hiện ra, tự tính là như vậy, như huyển, như mộng, như ảnh, như bóng, không có gì được thành tựu hết”(2).
Bên trái của chánh điện là tượng Bồ – tát Quan Âm đứng đưa mắt nhìn chúng sinh, lắng nghe mọi điều than thở để đi cứu giúp. Ngài là vị đại Bồ Tát phát tâm rộng lớn bao la như không gian. “Quan Âm tam thập nhị ứng tùy hình” đó là 32 dạng tiêu biểu của Bồ – tát tùy cơ ứng hiện. Các tranh hay tượng của Ngài thường trình bày Quan Âm “nghìn tay, nghìn mắt” đã nói lên khả năng ứng hiện. Bồ – tát có thể mang hình quan văn, cô tiểu thư, võ tướng …. nhưng với gương mặt hiền hậu từ bi gây cho ta lòng thân thiện với Ngài.
Có một lần Phật Thích Ca trả lời Bồ – tát Vô Tận Ý hỏi về Quan Thế Âm, rằng:
“Mắt từ nhìn chúng sinh,
Tụ phúc biển vô lượng
Cho nên đáng đảnh lễ”
Hơi chệch về phía phải của chánh điện, có tượng Bồ tát Địa Tạng, đầu mang vương miện tay cầm kích trượng có 6 vòng đại diện cho 6 lục đạo. Cũng như các vị Bồ – tát khác, Ngài ứng hiện vô số hình tướng để đến với những ai cần Ngài. Địa Tạng là vị được xem là người cứu hộ cho những ai không may rơi vào địa ngục, hay những kẻ nằm trong các chỗ thác sinh tối tăm.
Ngoài ra còn có tượng của các Bồ – tát Văn Thù và Phô Hiền. Văn Thù là vị đại trí vì Ngài là kẻ chỉ đường tu học cho chúng sinh, Ngài luôn làm thầy của vô lượng Bồ – tát, giáo hóa vô lượng chúng sinh. Ngài trụ trong trí huệ thâm sâu, thấy biết được tất cả các pháp đúng như thật(3) , còn Phổ Hiền là vị “Đại hạnh” vì nguyên lực cho hành động của Ngài là rộng lớn vô biên. Văn Thù và Phổ Hiền là sự hợp nhất giữa trí huệ và hành động, đại diện nguyên lý “tri hành hợp nhất”. Cái “tri” và “hành” là hai mặt biện chúng trong một thể thống nhất của người tu đạo. Trong kinh sách Đại Thừa có nhắc đến 200 vị Bồ – tát và mỗi vị ra đời là để hành động cho thế gian, nhưng tại Việt Nam năm vị nói trên được tôn kính nhiều nhất và mỗi vị chủ đạo một hướng riêng trong việc giáo hóa và cứu độ chúng sinh.
Vươn lên cao trên các tàng lá xanh, ngôi Bảo Tháp đứng sừng sững uy nghiêm trong khoảng không đầy lộng gió nhưng giữ được sự hài hòa với khung cảnh xung quanh. Phía trước là 1 khoảng trời mở tầm nhìn về phía biển mù khơi rì rầm sóng vỗ, núi Hải Vân mây trời lãng đãng trên đỉnh màu xanh cây rừng.  Nghoảnh mặt về phương nam chân trời mù mịt với cánh chim chiều bạt gió bay về tổ lúc hoàng hôn và phía đông nhấp nhô các tòa nhà cao tầng của Thành phố non trẻ.
Ngôi Bảo Tháp cao khoảng 67m với 12 tầng, có sáu mặt, tường sơn vàng; mái đỏ. Trên đỉnh Tháp được thiết kế bình hồ lô hình khối cầu màu xanh ngọc,  đứng trên tòa sân hồng tượng trưng cho yếu tố “nước” sự luân chuyển, sự di động. Phía trên bình hồ lô là cột thu lôi có mang cờ Phật. Tầng kế tiếp thờ xá lợi của Phật đã cung thỉnh từ Ấn Độ qua ngã Thái Lan và về đến Đà Nẵng. Các tầng dưới bố trí 10.000 tượng Phật, mỗi vị có một ít khác biệt rất khó hiểu. Tuy nhiên ta có thể hiểu rằng đó là hệ thống Pháp thân, Bảo thân và Ứng thân của chư Phật đóng vai trò quan trọng trong triết lý về vũ trụ Phật giáo.
Về phía tường ngoài, mỗi tầng mỗi mặt đều có khắc tượng Phật hướng mắt nhìn khắp mọi phương và các góc mái đỏ của Bão tháp có gắn tượng con rồng màu xanh.
Công trình Bảo Tháp được xây dựng gần 2 năm, thu hút quá nhiều tâm lực đời với Thầy viện chủ và các cộng sự trong 1 thời gian dài về nhiều mặt: từ các chi tiết về mỹ thuật, an toàn về cấu trúc nền móng, an toàn đối với ăn ở của công nhân, kịp thời xử lý các biến động giá cả thị trường, biến động về thời tiết gây ảnh hưởng đến tiến độ thi công. Nổi bậc nhất trong các nổi lo là vấn đề an toàn lao động, tránh mọi rủi ro xảy ra đối với công nhân làm việc và tất cả các lo lắng của Thầy cùng các cộng sự cho đến hôm nay đã được mãn nguyện trọn vẹn trong niềm hoan hỷ.
Lúc xin Thầy từ biệt ra về, mặt trời đã lên cao, tiết thu ấm áp, lòng tôi như nhủ thầm không biết mình đã dùng con mắt gì để nhìn thấy Thầy qua các công việc quá bề bộn, quá sức đối với một tu sĩ tuổi đẽ xế chiều. Có lẽ chỉ có cái nhìn của con mắt tình yêu mới làm cho tôi thấy được cái vô biên trong cái hữu hạn, cái vô hình trong cái hữu hình, mới thấy sự mầu nhiệm của đại nguyện và thấy được sự gia hộ của chư vị Bồ – tát, chư vị Phật đối với Thầy tôi trên bước đường hành đạo.
Thầy Đặng Công Hanh

Chủ Nhật, 24 tháng 5, 2015

.HỆ THỐNG TRUNG TIỂU HỌC BỒ ĐỀ


 Sau Pháp nạn lịch sử 1963, một trong những điều mà Phật giáo miền Nam Việt Nam tự nhận thức lại là vấn đề hoạt động giáo dục xã hội. Phật giáo bị nhà cầm quyền đương thời ở Việt Nam đối xử như một tôn giáo thiểu số cũng chính vì sự suy yếu trong hoạt động giáo dục xã hội.
Cuộc chấn hưng Phật giáo khởi đầu từ những năm 20 thế kỷ XX, đến thập niên 1950 -1960, chỉ mới  đưa lại kết quả bước đầu hồi phục hoạt  động giáo dục tăng ni nội bộ Phật giáo. Giáo dục xã hội, nhà chùa cũng chính là nhà trường, vai trò mà Phật giáo Việt Nam  đã có từ  thế kỷ X, đến thập niên 1950 -1960 thế kỷ  XX, vẫn là một khoảng trống lớn.

Đánh mất vị trí, vai trò của mình trong hoạt động giáo dục xã hội, Phật giáo Việt Nam đã hạ thấp vị trí của mình, từ một tôn giáo của tri thức, xuống tôn giáo của mê tín, chuyên vào hoạt động nghi lễ, cầu cúng. Đấy là một hệ quả tất yếu, không thể tránh khỏi, khi một tôn giáo từ khước, không nhận lấy vai trò là bộ máy cung cấp kiến thức, đào tạo nhân tài cho xã hội.

Ở miền Nam trước 1963, nói đúng hơn là trước 1964, đạo Thiên Chúa Ca tô là tôn giáo nắm trong tay hệ thống giáo dục khá hoàn thiện. Các trường mẫu giáo trung học do các dòng tu lập nên chiếm giữ những vị trí tốt nhất, từ trung tâm thành phố, khu vực quanh nhà thờ  Đức Bà với những đường phố công sở rợp bóng cây xanh, đến những trường ở khu dân cư người Hoa Quận 5, trường ở khu giáo  dân di cư ở khu vực ngoại ô… Đâu đâu, cũng thấy các trường Thiên Chúa giáo với biểu tượng Thánh giá.

Sau pháp nạn lịch sử 1963, ý thức rằng một tôn giáo mạnh phải là một tôn giáo nhận lấy trách nhiệm giáo dục xã hội, có tác động mạnh mẽ đối với thanh niên, thiếu niên, nhi đồng, chư tôn đức lãnh đạo tổ chức giáo hội bấy giờ ở  miền Nam đã quyết định đẩy mạnh phát triển hệ thống trường tư thục trung tiểu học Phật giáo Bồ Đề (vốn đã có từ trước, chủ yếu ở miền Trung) và Viện Đại học Vạn Hạnh. Đây là quyết định vô cùng sáng suốt của chư tôn đức giáo phẩm lãnh đạo Giáo hội bấy giờ, đưa đến những thành quả rực rỡ, có tác động tích cực đối với việc phát triển Phật giáo mãi tới ngày hôm nay.

Bài viết này điểm lại thành tựu như vừa nói trên lãnh vực giáo dục xã hội. Bài viết có thể có  những thiếu sót, vì tác giả  chỉ là người hậu học, trưởng thành trong bối cảnh hệ thống trung tiểu học Bồ Đề và  Đại học Vạn Hạnh không còn do hoàn cảnh lịch sử. Chắc chắn, những thiếu sót có thể được bổ sung và hiệu chỉnh dễ dàng, vì chư tôn  đức thành lập và điều hành các cơ sở giáo dục xã hội Phật giáo nhiều vị hiện nay vẫn còn.

Các trường trung tiểu học Bồ  Đề

Trước hết, cần lưu ý hệ thống giáo dục xã hội do Phật giáo điều hành được triển khai mạnh mẽ  trừ năm 1965 không chỉ bắt đầu từ bậc tiểu học lên đến bậc đại học, mà còn gồm cả giáo dục mầm non. Dường như các cơ  sở giáo dục mầm non Phật giáo thường được nhắc  đến lúc bấy giờ gắn liền với các cô nhi viện Phật giáo lớn.

Tuy nhiên, số lượng các cơ sở đào tạo bậc học mầm non do Phật giáo điều hành ít hơn nhiều so với hệ  thống trường Bồ Đề, gồm cả trung học (từ  lớp 6 đến lớp 12) và tiểu học (từ lớp 1 đến lớp 5).

Bấy giờ, một trường gồm cả trung tiểu học không hẳn là  một trường lớn. Tuy nhiên,, một trường trung tiểu học tư thục như thế mang lại cho học sinh được nhiều thuận lợi, góp phần giúp học sinh học dễ  dàng theo học đến lớp 12, dự kỳ thi Tú  tài.

Cùng có  một tên gọi Bồ Đề cho các trường do Giáo hội Phật giáo lúc bấy giờ thành lập, quản lý và điều hành, nên điều này đã góp phần hình thành một thương hiệu giáo dục tư thục Phật giáo, tuy đây chưa phải là một thương hiệu thành công tuyệt  đối.

Ở Sài Gòn, trường Bồ Đề có khi là một cơ sở biệt lập như trường ở khu vực Chợ Cầu Muối, nay thuộc Quận 1, nhưng thường gắn với nhà chùa, như trường Bồ Đề ở chùa Giác Ngộ nay thuộc quận 10, chùa Giác Sanh, nay thuộc quận 11... Ở các tỉnh, cơ sở trường Bồ Đề thường gắn với các chùa, do khuôn viên các chùa còn rộng rãi.

Điều rất tiếc là tuy có mặt ở khu vực trung tâm thành phố, nhưng hệ thống trường Bồ Đề không tiến vào được khu vực giáo dục sang trọng nằm ở các đường phố có nhiều cây xanh với tâm điểm là Nhà thờ Đức Bà – Dinh Độc Lập.

Vị trí  địa lý như thế, dù sao, cũng phản ánh một thực tế là hệ thống trường Bồ Đề không đạt được đến đẳng cấp tương đương các trường trung tiểu học tư thục của đạoThiên Chúa Ca tô, nơi mà thầy giáo và học sinh vừa có vẻ “tây” hơn, vừa có vẻ “sang” hơn. Trường Bồ Đề trở thành hệ thống trường tư thục loại 2, phục vụ chủ yếu con em của người lao động thành thị Sài Gòn, không đủ điều kiện và khả năng theo học các trường công lập. Kết quả đào tạo do vậy cũng có phần hạn chế..

Cũng phải thấy rằng, chư vị hòa thượng, thương tọa đại đức cũng đã nỗ lực rất nhiều để nâng cao chất lượng đào tạo của hệ thống trường Bồ  Đề, trong đó, nổi bật là các cố gắng nâng cao tính kỷ luật trường học và trình độ ban giảng huấn (giáo viên), lúc bấy giờ gọi là giáo sư trung học đệ nhất cấp và giáo sư  trung học đệ nhị cấp.

Vị trí  địa bàn các trường Bồ Đề dù sao cũng đã làm giới hạn chất lượng đào tạo. Trường tư thục  đương nhiên hướng tới đối tượng học sinh ở  gần trường. Học sinh trường Bồ Đề phần lớn là  con em của các gia đình lao động, một số lớn là  học sinh thi trượt vào các trường công lập, phải theo học hệ thống tư thục. Đầu vào như thế, thì chất lượng đầu ra sẽ không cao, không so sánh được với các trường do dòng Đức Bà, dòng La San…  điều hành, nằm ở khu vực phần lớn là biệt thự của giới thượng lưu trong xã hội miền Nam lúc bấy giờ, thu hút học sinh là con cái tầng lớp trên.

Chất lượng đào tạo hệ thống trường Bồ Đề không cao vì quý tôn đức lãnh đạo và điều hành giáo dục xã hội  Phật giáo lúc bấy giờ chủ  trương mở rộng cửa trường để để đón học sinh nghèo. Học phí trường Bồ Đề rất thấp, để nâng đỡ con em gia đình lao động nghèo. Trong mục tiêu và bối cảnh như vậy, khó mà có  được một kết quả đào tạo thật tốt.

Tuy nhiên, hệ thống trường Bồ Đề cũng làm được rất nhiều việc.

Trước hết, hệ thống trường trung tiểu học Bồ Đề thành công bước đầu của việc đưa Phật giáo trở lại với hoạt động giáo dục xã hội ở  cấp học phổ thông. Phật giáo, với hệ thống trường Bồ Đề, không còn là một tôn giáo đứng bên ngoài hoạt động giáo dục, chỉ đảm nhận nhiệm vụ nghi lễ, cầu cúng, bói toán, ma chay. Trái lại, nhiều vị tăng ni trẻ trở thành những giáo viên tiểu học, giáo sư trung học kiến thức rộng, có kỹ năng sư phạm và kỹ năng quản lý và điều hành trường trung tiểu học.

Nhà chùa, với hệ thống trường Bồ Đề, đã trở nên gắn bó với đời sống xã hội hơn.

Học sinh đến trường Bồ Đề học tập, cũng đồng nghĩa với nhi đồng, thiếu niên, thanh niên đến chùa, từ  đó một bộ phận tham gia sinh hoạt tổ chức Gia đình Phật tử. Điều đó vừa có lợi cho cộng đồng xã hội, vừa lợi ích cho Phật giáo.

Hệ thống trường trung tiểu học Bồ Đề cũng là phương tiện để giới Phật giáo thực hành hạnh bố  thí. Có lẽ, mức học phí các trường trung tiểu học Bồ Đề là mức học phí thấp nhất trong các trường tư thục, có tính chất giúp đỡ con em các gia đình lao động nghèo có điều kiện học hành.

Quý tăng ni là thầy cô giáo chắc chắn không hề có ý định làm giàu bằng học phí. Vì vậy, trường Bồ Đề là chiếc phao cứu sinh, giúp cho nhiều em học sinh không phải bỏ học vì điều kiện gia đình khó khăn, trong khi trường công bấy giờ  phải thi tuyển với một sĩ số rất hạn chế.
                                                                                          Minh Thạnh

Thứ Sáu, 22 tháng 5, 2015

N H Ớ V Ề T R Ư Ờ N G X Ư A


Năm mươi mốt năm (1964-2015) tính từ ngày thành lập, mười một năm (1964-1975) tồn tại, bốn mươi năm (1975-2015) tính từ khi kết thúc sứ mạng, Trường Trung học Bồ đề Đà Nẵng đủ thời gian để tạo dấu ấn đẹp đẽ trong tiềm thức của người dân Đà Nẵng, đặc biệt là trong trí nhớ của những người đã từng là học trò mang phù hiệu bánh xe luân hồi trên nền lá bồ đề màu xanh biển, và trong sâu kín tâm hồn những giáo sư, tăng sư, chú tiểu, nhân viên từng gắn bó, từng dằn vặt vì sứ mạng của nhà trường....
Trong mười một năm tồn tại ấy, với bao lớp học trò đã được nhận nơi đây những kiến thức phổ thông, những kỹ năng sống, những tình cảm thân thương kể cả tầm nhìn về cuộc chiến đang diễn ra tại thời điểm ấy và sự dấn thân vì tương lai dân tộc. Cũng trong thời gian ấy nhiều giáo sư, tăng sư đã đem hết tâm huyết của mình truyền lại cho những người đang lớn! Và để lại sự tôn kính của bao lớp người....
Những học trò ngày ấy, những thầy giáo ngày ấy dù bộn bề công việc, dù sức khoẻ giảm dần theo năm tháng nhưng đau đáu hướng về những kỷ niệm xưa đầy ắp tình người......
Sau bốn mươi năm (1975-2015) tên của trường đi vào quá khứ nhưng những ký ức vui, buồn vẫn hiện về mỗi khi gặp lại đồng môn.
                                                                                 Xuân Quang



Thứ Sáu, 8 tháng 5, 2015

.TÌM LẠI LƯU BÚT CỦA THỜI ĐI HỌC


Thân tặng các bạn đã một thời ghi Lưu bút .

Tôi lục lọi lật từng trang lưu bút,
Tìm chút hương phượng vỹ buổi thiếu thời,
Chút sắc bướm hằn in trong trang giấy,
Để nâng niu trân trọng một chặng đời;

Hương phượng vỹ bừng thơm trong xấp giấy,
Sắc bướm xưa e ấp cánh thư đầu,
Ai nhớ, ai quên? Riêng tôi vẫn nhớ:
Thuở ban đầu quá đỗi ngây ngô.

Như một gã khờ bận bịu chờ mong,
Giờ tan học ngóng tìm tà áo trắng;
Một áo trắng trong vô vàn áo trắng,
Mà chẳng thể nhầm sắc áo trắng trong.
                               Ngô Hủy- Lớp Pháp


Thứ Ba, 5 tháng 5, 2015

KỂ CHUYỆN “... thứ ba”...

.                                         
            Nhiều niên khoá của trường hằng năm đều tổ chức những buổi gặp mặt của cựu học sinh Bồ Đề của niên khoá mình.
            Nhìn những trường bạn có ban liên lạc toàn trường, một số anh chị em Bồ Đề cũng muốn lắm nhưng ngần ngại e rằng anh em không đồng thuận, cũng có vài ý kiến lo sợ chính quyền không cho phép... Nhưng sau nhiều lần hội ý, tình cảm với mái trường thân yêu, đã nuôi dưỡng dạy dỗ bao thế hệ chúng ta trưởng thành và nhiều nữa những lý do vô cùng tốt đẹp đã “chiến thắng” và Ban liên lạc toàn trường Bồ Đề đã ra đời đúng vào ngày thành lập trường tròn 50 năm (22.6.1964 – 22.6.2014).
            Trong đêm văn nghệ chào mừng biết bao tình cảm thân thương sau 50 năm bây giờ mới hội ngộ, bao nhiêu kỷ niệm vui buồn lẫn lộn thật không kể xiết. Vài tiếng đồng hồ không tâm tình hết được nhưng vui quá vì bây giờ chúng ta đã có “ngôi nhà chung” rồi, hãy cùng nhay vun đắp cho thật vững chắc để chúng ta hội tụ vui tuổi xế chiều...
            Thế rồi những buổi làm từ thiện ở các trung tâm nuôi dưỡng người tâm thần, ở bệnh viện ung bướu, các bệnh viện trong ngoài tỉnh... được các bạn hưởng ứng nhiệt tình bằng vật chất và tinh thần.
            Những cuộc vui chơi dã ngoại, ở vườn dừa nhà bạn Hảo, ở chùa tre... và nhớ nhất là chuyến dã ngoại thăm chùa Trúc Lâm Bạch Mã ở Truồi, chuyến đi du lịch của trên 30 vị tuổi “lục thập” và hơn nữa, có dịp sống lại tuổi thanh xuân, vượt hơn một trăm bậc tam cấp ở chùa Trúc Lâm và cuộc du hành đi tìm Suối Mơ dưới cái nóng 12 giờ trưa và cơn đói cồn cào.
            Chiếc xe du lịch 45 chỗ ngồi cứ chạy lòng vòng dươiu1 sự “chỉ chỏ” của những hướng dẫn viên du lịch không chuyên. Một bạn trong đoàn thốt lên “cứ đi, đi mãi rồi cũng đến”. Mà thật, gần 13 giờ 30 thì cũng phát hiện “Ồ! Nó đây rồi!”. Nhưng xe ta to quá không đi vào suối được, vì đường nhỏ và gập ghềnh ổ trâu ổ voi, phải còn hơn 2 km nữa mới đến lán trại của suối, đi bộ sao nổi đây ta! Ai cũng “mỏi gối chồn chân hết rồi”. May quá gặp được chú em tài xế có chiếc xe tải nhỏ không trần, đồng ý chở đoàn vào suối, không còn lựa chọn nào khác “mời các bác lên xe”. Hơn 30 vị cùng những thùng lương thực, thực phẩm cho chuyến dã ngoại được tải hết lên xe. Bạn Phong đã cố gắng ghi lại những hình ảnh, clip trước và trong lúc xe chuyển bánh. Chiếc xe nghiêng qua rồi lại nghiêng về, xóc lên giảm xuống, mỗi lần như thế được các bạn hò hét phụ hoạ, có bạn thấy lý thú, có bạn thấy sợ quá... Nhưng đã làm sống lại ký ức tuổi học trò, thật là vui, khó có dịp lặp lại.
            Nghe tiếng nước chảy róc rách và tiếng hò reo của khách du lịch đang vẫy vùng dưới nước, các bạn cùng reo “Ồ! Suối đẹp quá”. Các bạn thở phào quên hết lo sợ và mệt nhọc, để nhường chỗ cho tiếng rít dạ dày. Ban hậu cần nhanh chóng soạn thức ăn, thức uống và một số bạn muốn xỉu... đói quá... đói quá!!!
            Thức ăn đem theo quá nhiều, nhưng do quá bữa nên ăn chỉ hết phân nửa... Các bạn nữ đem theo đồ tắm nhưng vị trí chúng ta cắm trại không ở đầu nguồn nước nên các bạn sợ bẩn không dám tắm, thế là mấy anh nam tiếc hụi hụi...
            Ngồi trên xe tải lắc lư cùng một số đông anh chị em cùng trường làm tôi nhớ lại một kỷ niệm về trường năm xưa... Năm đó tôi học lớp 9/7, tôi được làm lớp trưởng, mọi hoạt động xã hội và văn thể mỹ của trường lớp tôi đều được giải thưởng. Trong đó đáng kể nhất là cuộc phát động quyên góp cứu trợ bão lụt, cả lớp chia thành nhiều tổ về các miền quê (vùng ven thành phố) và trong thành phố xin (hồi đó gọi đi lạc quyên) được hơn 1 tấn gạo và khoảng 50 quả bí (quả bí xanh, đỏ ngày xưa rất to), được Ban giám hiệu nhà trường tuyên dương xuất sắc và lớp tôi được chọn 10 bạn tham gia cùng đoàn đi cứu trợ của trường gồm 20 người do thầy Thích Minh Đàm làm trưởng đoàn. Địa điểm được chọn để cứu trợ là vùng quê Quảng Trị, quê hương của thầy Hiệu trưởng Thích Minh Tuân.
            Hôm đó vào khoảng 10h sáng, 2 chiếc xe GMC chở hàng cứu trợ cùng 20 con người ngồi ở thùng xe. Xe bắt đầu lên đèo Hải Vân thì tôi đã “cho chó ăn chè” đến mật vàng rồi, sau đó thì “hết biết”. Đến khoảng 18h cùng ngày xe dừng lại, tôi nghe giọng thầy Minh Đàm nói “tới nơi rồi, xuống xe”, thật tình người tôi thấy nhẹ nhõm nhưng đang vừa trải qua một cơn bạo bệnh. Tạm thời đoàn được vào tá túc trong ngôi chùa nhỏ và rất cũ kỹ. Lâu quá rồi tôi không còn nhớ tên ngôi chùa đó, chỉ nhớ chủa nhỏ nhưng vườn chung quanh chùa rất rộng và trồng nhiều cây nhãn cổ thụ. Một đêm ở đó khá nhiều kỷ niệm vì đoàn được sinh hoạt với các bạn Phật tử ở chùa dưới ánh sáng của lửa trại và nhiều trò chơi tập thể, ở vùng quê này vào thời đó chưa có điện.
            Sáng ngủ dậy, tôi nhìn thấy cảnh vật chung quanh thật hoang tàn sau bão lũ, một vùng quê đã rất nghèo chỉ toàn nhà lá, khó tìm ra một căn nhà gạch, nay hứng chịu trận bão lút lớn, gần như san bằng, đâu đó vài căn nhà lá còn sót lại. Chúng tôi bắt đầu đi phân phát hàng cứu trợ, vào những căn nhà lá thấp lè tè phải khom người xuống mới vào được nhà, trong nhà không có vật dụng gì ngoài một tấm sạp tre làm bàn thờ và tấm sạp làm giường ngủ, diện tích căn nhà không quá 10m2.
            Quen sống ở thành phố với những ngôi nhà mái bằng, mái ngói, hình ảnh nơi đây làm chúng tôi liên tưởng đến những bộ phim chiếu cảnh làng quê Việt Nam thời “chị Dậu”, thật xót xa.
Hai chiếc xe chở lương thực được chúng tôi cia nhau đi phân phối cho bà con chỉ trong một buổi sáng thì hết nhẵn. Tất cả tập trung về chùa để ăn bữa cơm trưa chay đạm bạc, mà sao ngon thế, vì hình như các bạn thấy mình vừa làm được một việc thiện vô cùng ý nghĩa ở cái tuổi 15, 16 thời bất giờ.
Qua rồi cái tuổi phải lo cơm áo gạo tiền, bây giờ trong chúng ta bạn nào cũng đã lên chức ông chức bà, các con đã trưởng thành, mặc dù mỗi bạn có một hoàn cảnh... nhưng ta cố gắng buông bỏ, để dành một ít thời gian còn lại sống cho chúng ta, để góp một chút gì đó có ích cho xã hội cộng đồng, và cũng là động lực giúp ta quên bớt lo toan đời thường, vực dậy sức trẻ còn trong lứa tuổi chúng ta để vui cùng con cháu và bè bạn.

                                           Lê Ngọc Lan