Thứ Ba, 5 tháng 5, 2015

KỂ CHUYỆN “... thứ ba”...

.                                         
            Nhiều niên khoá của trường hằng năm đều tổ chức những buổi gặp mặt của cựu học sinh Bồ Đề của niên khoá mình.
            Nhìn những trường bạn có ban liên lạc toàn trường, một số anh chị em Bồ Đề cũng muốn lắm nhưng ngần ngại e rằng anh em không đồng thuận, cũng có vài ý kiến lo sợ chính quyền không cho phép... Nhưng sau nhiều lần hội ý, tình cảm với mái trường thân yêu, đã nuôi dưỡng dạy dỗ bao thế hệ chúng ta trưởng thành và nhiều nữa những lý do vô cùng tốt đẹp đã “chiến thắng” và Ban liên lạc toàn trường Bồ Đề đã ra đời đúng vào ngày thành lập trường tròn 50 năm (22.6.1964 – 22.6.2014).
            Trong đêm văn nghệ chào mừng biết bao tình cảm thân thương sau 50 năm bây giờ mới hội ngộ, bao nhiêu kỷ niệm vui buồn lẫn lộn thật không kể xiết. Vài tiếng đồng hồ không tâm tình hết được nhưng vui quá vì bây giờ chúng ta đã có “ngôi nhà chung” rồi, hãy cùng nhay vun đắp cho thật vững chắc để chúng ta hội tụ vui tuổi xế chiều...
            Thế rồi những buổi làm từ thiện ở các trung tâm nuôi dưỡng người tâm thần, ở bệnh viện ung bướu, các bệnh viện trong ngoài tỉnh... được các bạn hưởng ứng nhiệt tình bằng vật chất và tinh thần.
            Những cuộc vui chơi dã ngoại, ở vườn dừa nhà bạn Hảo, ở chùa tre... và nhớ nhất là chuyến dã ngoại thăm chùa Trúc Lâm Bạch Mã ở Truồi, chuyến đi du lịch của trên 30 vị tuổi “lục thập” và hơn nữa, có dịp sống lại tuổi thanh xuân, vượt hơn một trăm bậc tam cấp ở chùa Trúc Lâm và cuộc du hành đi tìm Suối Mơ dưới cái nóng 12 giờ trưa và cơn đói cồn cào.
            Chiếc xe du lịch 45 chỗ ngồi cứ chạy lòng vòng dươiu1 sự “chỉ chỏ” của những hướng dẫn viên du lịch không chuyên. Một bạn trong đoàn thốt lên “cứ đi, đi mãi rồi cũng đến”. Mà thật, gần 13 giờ 30 thì cũng phát hiện “Ồ! Nó đây rồi!”. Nhưng xe ta to quá không đi vào suối được, vì đường nhỏ và gập ghềnh ổ trâu ổ voi, phải còn hơn 2 km nữa mới đến lán trại của suối, đi bộ sao nổi đây ta! Ai cũng “mỏi gối chồn chân hết rồi”. May quá gặp được chú em tài xế có chiếc xe tải nhỏ không trần, đồng ý chở đoàn vào suối, không còn lựa chọn nào khác “mời các bác lên xe”. Hơn 30 vị cùng những thùng lương thực, thực phẩm cho chuyến dã ngoại được tải hết lên xe. Bạn Phong đã cố gắng ghi lại những hình ảnh, clip trước và trong lúc xe chuyển bánh. Chiếc xe nghiêng qua rồi lại nghiêng về, xóc lên giảm xuống, mỗi lần như thế được các bạn hò hét phụ hoạ, có bạn thấy lý thú, có bạn thấy sợ quá... Nhưng đã làm sống lại ký ức tuổi học trò, thật là vui, khó có dịp lặp lại.
            Nghe tiếng nước chảy róc rách và tiếng hò reo của khách du lịch đang vẫy vùng dưới nước, các bạn cùng reo “Ồ! Suối đẹp quá”. Các bạn thở phào quên hết lo sợ và mệt nhọc, để nhường chỗ cho tiếng rít dạ dày. Ban hậu cần nhanh chóng soạn thức ăn, thức uống và một số bạn muốn xỉu... đói quá... đói quá!!!
            Thức ăn đem theo quá nhiều, nhưng do quá bữa nên ăn chỉ hết phân nửa... Các bạn nữ đem theo đồ tắm nhưng vị trí chúng ta cắm trại không ở đầu nguồn nước nên các bạn sợ bẩn không dám tắm, thế là mấy anh nam tiếc hụi hụi...
            Ngồi trên xe tải lắc lư cùng một số đông anh chị em cùng trường làm tôi nhớ lại một kỷ niệm về trường năm xưa... Năm đó tôi học lớp 9/7, tôi được làm lớp trưởng, mọi hoạt động xã hội và văn thể mỹ của trường lớp tôi đều được giải thưởng. Trong đó đáng kể nhất là cuộc phát động quyên góp cứu trợ bão lụt, cả lớp chia thành nhiều tổ về các miền quê (vùng ven thành phố) và trong thành phố xin (hồi đó gọi đi lạc quyên) được hơn 1 tấn gạo và khoảng 50 quả bí (quả bí xanh, đỏ ngày xưa rất to), được Ban giám hiệu nhà trường tuyên dương xuất sắc và lớp tôi được chọn 10 bạn tham gia cùng đoàn đi cứu trợ của trường gồm 20 người do thầy Thích Minh Đàm làm trưởng đoàn. Địa điểm được chọn để cứu trợ là vùng quê Quảng Trị, quê hương của thầy Hiệu trưởng Thích Minh Tuân.
            Hôm đó vào khoảng 10h sáng, 2 chiếc xe GMC chở hàng cứu trợ cùng 20 con người ngồi ở thùng xe. Xe bắt đầu lên đèo Hải Vân thì tôi đã “cho chó ăn chè” đến mật vàng rồi, sau đó thì “hết biết”. Đến khoảng 18h cùng ngày xe dừng lại, tôi nghe giọng thầy Minh Đàm nói “tới nơi rồi, xuống xe”, thật tình người tôi thấy nhẹ nhõm nhưng đang vừa trải qua một cơn bạo bệnh. Tạm thời đoàn được vào tá túc trong ngôi chùa nhỏ và rất cũ kỹ. Lâu quá rồi tôi không còn nhớ tên ngôi chùa đó, chỉ nhớ chủa nhỏ nhưng vườn chung quanh chùa rất rộng và trồng nhiều cây nhãn cổ thụ. Một đêm ở đó khá nhiều kỷ niệm vì đoàn được sinh hoạt với các bạn Phật tử ở chùa dưới ánh sáng của lửa trại và nhiều trò chơi tập thể, ở vùng quê này vào thời đó chưa có điện.
            Sáng ngủ dậy, tôi nhìn thấy cảnh vật chung quanh thật hoang tàn sau bão lũ, một vùng quê đã rất nghèo chỉ toàn nhà lá, khó tìm ra một căn nhà gạch, nay hứng chịu trận bão lút lớn, gần như san bằng, đâu đó vài căn nhà lá còn sót lại. Chúng tôi bắt đầu đi phân phát hàng cứu trợ, vào những căn nhà lá thấp lè tè phải khom người xuống mới vào được nhà, trong nhà không có vật dụng gì ngoài một tấm sạp tre làm bàn thờ và tấm sạp làm giường ngủ, diện tích căn nhà không quá 10m2.
            Quen sống ở thành phố với những ngôi nhà mái bằng, mái ngói, hình ảnh nơi đây làm chúng tôi liên tưởng đến những bộ phim chiếu cảnh làng quê Việt Nam thời “chị Dậu”, thật xót xa.
Hai chiếc xe chở lương thực được chúng tôi cia nhau đi phân phối cho bà con chỉ trong một buổi sáng thì hết nhẵn. Tất cả tập trung về chùa để ăn bữa cơm trưa chay đạm bạc, mà sao ngon thế, vì hình như các bạn thấy mình vừa làm được một việc thiện vô cùng ý nghĩa ở cái tuổi 15, 16 thời bất giờ.
Qua rồi cái tuổi phải lo cơm áo gạo tiền, bây giờ trong chúng ta bạn nào cũng đã lên chức ông chức bà, các con đã trưởng thành, mặc dù mỗi bạn có một hoàn cảnh... nhưng ta cố gắng buông bỏ, để dành một ít thời gian còn lại sống cho chúng ta, để góp một chút gì đó có ích cho xã hội cộng đồng, và cũng là động lực giúp ta quên bớt lo toan đời thường, vực dậy sức trẻ còn trong lứa tuổi chúng ta để vui cùng con cháu và bè bạn.

                                           Lê Ngọc Lan 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét