Thứ Hai, 30 tháng 3, 2015


 Ngày 22/6 kỷ niệm 51 năm ngày thành lập trường.
Với tôi là  40 năm rời xa mái trường giờ đã không còn tên nữa nhưng trong ký ức vẫn bộn bề kỷ niệm.
 Tôi chỉ vào học trường BĐ hai năm cuối cấp PTTH, lớp 11 và 12A1
Lớp có ba dãy bàn, dãy tôi ngồi bên cửa sổ hướng ra đường Quang Trung phủ rợp bóng cây . Tuổi mười tám đôi mươi tâm hồn trong trắng, hay buồn vu vơ . Cái tuổi mộng mơ với bao ước vọng . Lớp tôi không biết sao khi vào học được sắp xếp nữ ngồi những bàn đầu, nam ngồi những bàn sau. Dãy ngoài cùng gần cửa ra vào là những bạn cao to : Bạn Thanh Vân (có biệt danh Bà mẹ VN), bạn Lựu, bạn Cam…  dãy giữa là những bạn có vẻ chân chất : Thanh Uyển nhỏ như chim sâu, bạn Thịnh, bạn Nhi, bạn Lương, bạn Thạch, Bạn Hồng , bạn Kính, Ngọc Thúy yêu màu tím tâm hồn ướt rượt như mưa …và cuối cùng là dãy bàn có tôi, gồm bạn Bảy, bạn N. Hường, bạn Mỹ Hoa (đã mất), bạn Thân, bạn Thanh Nhàn, bạn Thủy (Biệt danh H2O, hay Thủy noir ) bạn Thu Thủy, bạn Thanh tóc vàng….Lớp trưởng là anh Nguyễn Đệ và các bạn nam Dương Đăng Lợi, Lê Quý Trân, Nguyễn văn Xuân ( đã mất) Võ Viết Dũng, Nguyễn Ngọc Khánh, Nguyễn Phúc Bửu Cát, Nguyễn Phi Hùng...đặc biệt nhớ anh chàng làm thơ ăn mặc rất khác mọi người, áo sơ mi bỏ thùng, giày đen mũi hơi hếch , tóc lúc nào cũng bóng mượt . Sách vở thường đút sau lưng anh Vũ Thành Lân ( hiện ở nước ngoài)….Tôi chỉ nhớ tên một số bạn còn lại rất nhiều bạn mà trí nhớ mù mờ không sao nhớ nổi…
Thầy dạy toán Vĩnh Linh (đã mất), thầy rất nghiêm và hoạt động cách mạng, tôi nhớ có lần thầy gọi một bạn nữ lên bảng làm toán. Bạn không giải được còn đứng cười thầy nói một câu tôi nhớ mãi đến chừ: “Em nên về trang điểm tâm hồn em hơn là trang điểm khuôn mặt em.” Thầy Nguyễn Lương Hiền dạy triết, thầy bị hỏng một mắt thường đeo kính đen nên nhìn rất sợ, có một lần trong giờ học của thầy không hiểu có chuyện chi bàn của tôi cứ cười hoài . Tôi và Thủy H2O bị đuổi ra khỏi lớp và ăn hai con không to tổ bố. Thủy khóc nức nở còn tôi vẫn không thể nín được cơn cười. Thầy Nguyễn Phúc (đã mất) dạy sử , thầy Cát văn Uẩn (đã mất) thầy rất nghiêm ít khi cười, Thầy rất chi đẹp trai, mái tóc nâu bồng bềnh, dáng đi nhanh nhẹn luôn ngước nhìn lên. Thói quen cứ vào lớp là đóng cửa , luôn đúng giờ cả khi vào lớp và hết giờ học . Thầy luyện từ vựng rất kỹ, hay có bài thi nhanh nên chi chừ vốn từ vựng tôi có được là hai năm học thầy. Kỷ niệm với thầy một lần trong giờ học tôi tìm ô mai dưới hộc bàn, tìm không thấy nên cúi đầu xuống nhìn bị thầy đôi viên phấn trúng ngay trán, hết hồn cũng may thầy chỉ phạt nhẹ lên lau bảng. Duy nhất có cô Thanh Xuân dạy Vạn vật môn mà tôi rất thích học. Dáng cô cao, mảnh mặc áo dài rất đẹp nhưng cô rất khó tính, cho điểm cực mắc. Không dễ gì lấy được 15-18 điểm của cô. Cuốn vở 200 trang viết toàn mực tím môn của cô tôi luôn nắn nót chữ thật đẹp và cuốn sổ lớn sưu tầm cây, hoa cỏ ép khô ghi ngày tháng ép, tên cây, nơi hái. Ngày đó cuối giờ học tôi với Thu thủy thường lang thang hái trộm cây, hoa những nơi mô thường trồng ….
Thầy Thích Minh Tuấn, hiệu trưởng vẫn thường xoa đầu tôi những buổi trưa ở lại ngồi trong lớp ăn cơm trong lon gigô bới theo, thầy hay gọi tôi : con bé bạch kim. Thực ra tóc tôi trắng rất nhiều, hai phần ba là trắng còn lại là nâu vàng nên thầy gọi như rứa. 
Hai năm học không nhiều mà sao cứ thân thương, yêu quý . Cây hoa hoàng hậu bên khung cửa cho tôi biết bao vầng thơ tình vụng dại:
 “ Cùng nhau chung học một trường
Để lòng con bé vấn vương tơ hồng
Để lòng anh cũng trông mong
Mình trùng giờ học song song đường về”
“ Em đi tiếng guốc khua vang nhẹ
Xao xuyến trong tôi mấy nhịp lòng
Ngang trường em đứng trao thư tím
Để nhớ thương về đôi mắt trong”.

Và đại lộ Quang Trung rợp bóng cây những hôm trời trở gió lá bay ngập đầy. Nhà xa mỗi lần đi học phải qua phà, chuyến phà ngày hai buổi đưa tôi đi về, dòng sông Hàn xanh thẳm chở đầy ước mơ , sau nầy mình sẽ học y để làm bác sỹ, dù ba tôi muốn tôi theo ngành giáo dục . Cuộc đời không như mơ, và chẳng ai toại nguyện . Sau 1975 mọi thứ thay đổi , bạn bè tỏa đi muôn ngã đường. Mấy mươi năm sau khi con cái trưởng thành, cuộc sống ổn định chúng tôi mới tìm về cùng nhau trong những lần họp lớp.
Thầy cô, bạn bè một số đã mất, số đi làm phương xa, hay ở nước ngoài chưa tìm ra thông tin để  liên lạc, tôi nhớ bạn Thanh Nhàn học môn Pháp văn rất vững, bạn ngồi bên tôi những giờ kiểm tra tôi luôn nhờ bạn chỉ giúp và bạn là người lên xe hoa sớm nhất trong số bạn ngồi cùng bàn, bây giờ bạn sinh sống ở đâu không biết. Mong có ngày liên lạc được với bạn. Chừ ngôi trường chúng tôi học không còn tên nữa, thầy cô bạn bè người còn người mất. Con đường Quang Trung hàng cây xưa rợp bóng mát có thời được đặt tên “Con đường thì thầm” qua những cơn bão đã trơ bóng nắng không còn thơ mộng như xưa. Tất cả còn lại là những kỷ niệm ngọt ngào trong ký ức. Cuộc mưu sinh mấy mươi năm trong công sở hay lam lũ ngoài đời chẳng để lại kỷ niệm sâu sắc nào mà sao những thầy cô bạn bè ngày ấy chỉ có hai năm thôi mà tình thân lưu luyến mãi. Giờ đây dưới mái hiên 63 Lê Hồng Phong nơi bạn tôi bán bánh mì, cà phê mỗi sáng lại là nơi thân thương các anh chị em liên niên khóa lớp trên, lớp giữa, lớp dưới cùng nhau tụ họp góp tiếng cười để vui tuổi hoàng hôn. Tình cảm như một gia đình nhỏ. Những tấm lòng xẻ chia. Bạn Hoa Trần từ thành phố HCM về
lại quê nhà chưa biết sinh sống ra sao. Hiểu hoàn cảnh khó khăn của bạn, anh HL người ít nói nhất đã thầm lặng đi các con phố tìm cho bạn một chỗ, và bạn Lành có tấm lòng rộng mở hay giúp đỡ bạn bè đã cho Hoa chỗ bán này. Anh Trần Hữu Hoàng ở nước ngoài, một lần về thăm quê cũng đã giúp cho Hoa cái dù che mưa nắng, cái quạt cho chút gió những trưa hè nóng bức cùng các anh chị khác giúp mỗi người chút để có chỗ cho chúng tôi đến đây san sẻ yêu thương tình bè bạn, có người đến hoặc muộn, hoặc sớm luôn thổi kèn, cà phê dù ở nhà đã dùng rồi, có người không bao giờ ăn uống chi, chỉ đến để góp mặt cho đông vui. Dù bạn đến thế nào cũng là niềm vui, hạnh phúc, là chút tình với nhau.
Lòng TỐT và chữ TÂM được đặt hàng đầu cho những lần gặp nhau, có đôi khi hiểu lầm, thoáng giận hờn nhưng rồi chỉ cần cái nắm tay, nụ cười là quên hết. Còn gì nữa đâu hơn nửa đời người, tóc trên đầu ngã màu sương, mắt phải đeo kính mới đọc ra chữ nên ai cũng ngộ ra sống từ bi, hỷ xả , biết buông xả để tình thân BỒ ĐỀ luôn gắn bó bền lâu.
“Bạn bè, bạn và tôi... bạn đưa tới một người bạn nữa... và rồi có ba người... chúng ta bắt đầu nhóm... vòng bạn bè của chúng ta... và như vòng tròn đó... không có điểm bắt đầu hay kết thúc.”
Mong chúng ta sẽ luôn như thế trong vòng tròn tình bạn . Vòng tròn ngày càng rộng và chúng ta hãy giữ những gì đáng giữ và quên đi những gì đáng quên.

                              PHAN VIỆT

Thứ Năm, 26 tháng 3, 2015

* chùm thơ Dương Đăng Lợi


NGƯỜI CON GÁI BÁN VÉ ĐÒ NGANG

Mắt em đốt cháy được đời anh

Chiều qua sông nắng vàng rất chậm

Em đằm thắm để lòng ai hiu quạnh

Màu thời gian se lạnh nước sông Hàn

Em vẫn ngồi bán vé suốt bao năm

Bao cuộc chia ly bao lần sum họp

Những chiếc vé nối hai bờ xanh ngắt

Chiếc vé nào em nối với bờ anh


ĐỘC THOẠI SÔNG HÀN

Trăng có niềm riêng qua lạnh sông

Thờ ơ chiếc bóng rụng nao lòng

Cúi soi dòng nước trôi vô tận

Chẳng biết mình hay bóng rỗng không


TẢN MẠN CUỐI HÈ

Sợi tóc vướng vào anh

Ngày thường khi hóa sóng

Chiều thường khi rất vắng

Phố nhỏ cuộc tình không

Đi về một cõi phố

Cõi lòng giờ nơi đâu

Cuối mùa hoa đỏ đất

Khói sương pha tóc sầu

Thứ Hai, 23 tháng 3, 2015

.THẦY HIỆU TRƯỞNG.


Bạn bảo tôi viết về kỷ niệm tuổi học trò. Vâng,tôi sẽ kể cho bạn nghe một kỷ niệm mà suốt đời tôi không bao giờ quên được. Năm ấy , tụi mình đang học lớp Đệ Ngũ (lớp 8 bây giờ). Một hôm vào giờ Tóan Hình học, Thầy Hà Xuân Kỳ ốm không đến dạy được và Thầy Hiệu Trưởng sẽ dạy thế. Cả lớp lo lắng nét mặt ai cũng căng thẳng vì Thầy Hiệu Trưởng nổi tiếng rất khó tính và rất nghiêm. Nhưng rồi cái chuyện đến ..cũng phải đến. Thầy bước vào khi cả lớp đứng dậy chào. Thầy mỉm cười, hỏi có ai vắng mặt ngày hôm nay không ? Lớp trưởng đáp " Dạ một Bạn" , rồi Thầy nói các anh chị để tay lên bàn Thầy dò bài cũ. Thầy bảo đọc định lý Thales, một bạn..rồi 2 bạn..không trả lời được, tôi rất dốt toán nhưng định lý này thì tôi thuộc vì chị tôi vừa bắt học lúc tối. Nên khi Thầy bảo


"Ai biết giơ tay" tôi mạnh dạn giơ tay và đứng lên đọc vanh vách định lý này (Bây giờ thì quên hết rồi). Thầy khen giỏi và lấy ra một cây kẹo " thưởng cho Trò", nhận được quà bất ngờ tôi quá đổi vui mừng. Với giọng Huế dịu dàng, ôn tồn, nhỏ nhẹ, Thầy đưa chúng tôi đến bài học mới. Kết thúc hai giờ học lúc nào không hay. Cái vẻ nghiêm nghị hằng ngày của Thầy tôi chẳng còn thấy nữa mà chỉ thấy một người Thầy khả kính và thân ái. Không dễ gì có được một cây kẹo do Thầy Hiệu trưởng tặng, tôi giữ trong cặp về nhà khoe ba mẹ cùng anh chị em....Và như cả một tuần gặp ai tôi cũng khoe, tôi thương và quý vô cùng, hằng ngày đem ra ngắm nghía rồi lại cất vào, đến khi thấy kẹo chảy nước tôi lấy giấy nilon gói lại cất vào tủ vì sợ dính vào sách vở. Ngày ngày trôi qua, đến một buổi chiều vừa về đến nhà , tôi thấy em gái út của tôi đang bỏ cái kẹo vào miệng nhai một cách ngon lành. Giận em vô cùng nhưng vì thương em làm tôi không nói được lời nào mà nước mắt tự tuôn trào. Mấy ngày sau vẫn còn buồn vì mất đi cái mình quý nhất. Kỷ niệm ấy theo tôi mãi đến bây giờ. Gần năm mươi năm qua rồi, mà tôi vẫn còn nhớ rõ ràng giờ học sáng hôm ấy. Tôi gặp lại Thầy sau hai mươi năm xa cách, thấy tôi Thầy kêu tên liền, lúc ấy Thầy còn mạnh khỏe và cốt cách lắm. Bây giờ mỗi tháng đến chùa nhìn Thầy ngồi trên chiếc xe lăn, đôi mắt Thầy vẫn còn tinh anh, nụ cười vẫn hiền hậu như ngày nào nhưng Thầy đã già yếu lắm rồi. Tôi đã có 9 cháu nội, ngoại bảo sao Thầy không già. Nhìn thấy các chú bế Thầy lên xe mà lòng tôi thắt lại, thương Thầy lắm mà chẳng giúp gì được cho Thầy. Sinh, Lão, Bệnh Tử ...
Thầy ơi ! Thầy Thích Minh Tuấn của Chúng con ! . 
Đà nẵng, 20h ngày 19 tháng 3 năm 2014. . 
LÊ THỊ SONG NK 64-70

Thứ Bảy, 21 tháng 3, 2015

Tình học trò

ANH ! ngày xưa em đâu dám goi vây cho dù anh hoc trên em môt lớp . ANH không phải mối tình đầu của em vì khi anh lúng túng trao cho em tâp thơ có giấy mỏng màu xanh cùng những nét chữ mưc tím nắn nót , bên ngoài bìa có vẽ chiếc cầu thang với 2 người đứng 2 đầu xa lăc cùng dòng chữ " còn bao nhiêu bậc nữa hở thúy " thì khi ấy em đã có người yêu . Anh vẫn lăng lẽ bên em , mỗi buổi hoc đều đi ngang cửa sổ nới em ngồi hoc và để lai môt gói ô mai, vị mặn ây bây giờ em vẫn còn cảm giác quấn quít nơi đầu lưỡi. Em vẫn đi qua những năm tháng hồn nhiên với mỗi ngày thấm vị mặn của ô mai như thế mà không hề biết anh đau khổ . Đến năm 75 anh ra đi , bấy giờ em đang hoc sư pham ở QUI NHƠN, về thăm nhà em thấy anh để lai trên bàn học em bài hát " nghìn trùng xa cách" và câu hát " đường dài hanh phúc cầu chúc cho người "em bâng khuâng "... thế là anh đã ra đi . Mang máng môt sư trống vắng và mất mát tràn ngâp trong em . Dòng đời vẫn trôi ... em đã làm dâu nhà người , 20 năm sau găp lai nhau anh ngỡ ngàng và tiếc môt điều " nếu biết em và người ấy chia tay anh đã bắt cóc em và bỏ vào bao để mang theo rồi " Anh về ,ta găp lai nhau khi em đang trên bục giảng . tình cờ chiếc áo dài trắng hôm ấy làm cho cả anh và em đều bối rối xúc động . Lại áo dài trắng thuở tìm em , lại chiếc sơ mi xanh da trời ngày ấy em rất thích , em đã nhân ra anh trong rừng áo trắng hoc trò và cũng vì vây anh thích măc áo xanh đến đô bi kỷ luât vì phá vỡ nôi qui nhà trường , em bỗng bât cười vì nhớ đến điều ấy , 2O NĂM XA CÁCH , ta lai cùng nhau dạo núi Trà Kiệu " Hát tăng em mối tình đầu/ Chiều rơi rất châm nỗi sầu về xa/Vàng thu phai môt sắc hoa /Giờ đây tóc cũng phai nhòa rồi em , TRÀ KIÊU ơi làm sao quên. Mắt xa vắng gió thu rền bên sông /hai mươi năm sóng trong lòng / phương xa vong tiếng thu không bên trời ". Rồi anh lai ra đi 'câu từ biêt không lời sao quá tôi / Đóa HOÀNG LAN vẫn nở giữa thu không '
Những kỷ niêm của môt thời trong veo ấy cùng sư găp gỡ tình cờ đã kết nên những vần thơ khát cháy yêu thương " vẫn là viễn mông " đã có dip chào đời đánh dấu môt đời người . môt đời sông tuyêt đep cám ơn anh dù cách xa cả nữa vòng trái đất , dù non nữa thể kỷ không còn thấy nhau , anh vẫn đấu đáu nhớ về môt mái trường , môt dòng sông , môt tình yêu tuổi thơ trong trẻo để mong ngóng ngày găp lai dù chỉ là VIỄN MÔNG " KHI về lai găp người trong quán nhỏ / mùa thu xưa vẫn vây nắng hoe vàng/ nhưng đôi mắt bỗn chìm trong tiếng thở / nhắc nhau ngày viễn mông đã sang trang ./ là viễn mông người vẫn là viễn mông / tình trao nhau chút đắng của hiên đời "ANH bao năm rồi vẫn vây , tình yêu đầy sư hy sinh cao cả , em đã măc nơ anh " em ngồi hóa đá thành thơ / trả anh cái nơ anh chờ lúc yêu" anh nhé
Cám ơn cuôc đời cho tôi có dip hanh ngô , cám ơn ban bè VÀ MÁI TRƯỜNG BỒ ĐỀ dấu yêu và con đường QUANG TRUNG rơp bóng đã lưu dấu tuổi thơ tôi với môt tình cảm đầu đời đáng yêu.

Phạm Ngọc Thuý - Thuý Tím





Thứ Ba, 17 tháng 3, 2015

.NỔI NHỚ TRÊN FACE


Sáng ra mở Face lên mạng
Tìm những cái tên quen tên bạn
Như Tuý Vân, Tuyết Nga, Hoa hoặc Trinh Nguyễn...
Để chào buổi sáng, like một tấm hình hay comment một câu chuyện
Khề khà những lời tếu trêu nhau
Bây giờ tuy sống cách xa nhau và có thể lâu lâu mới gặp
Nhưng ngày nào cũng nhìn thấy mặt
Cũng nói cười
Cho nhau niềm vui
Như sáng nào ta cũng thức dậy
Đến quán cà phê xưa
Gọi hai ly
Và ngồi đó
Nhìn ra ngoài cửa
Đà Nẵng dạo này hay có những cơn mưa nhỏ
Một chút gió
Lành lạnh ban mai
Cũng đủ làm cho ai
Hở van tim hoặc lên tăng xông vì nhớ !
Đóa Hoàng Lan sáng nay vẫn nở
Mặt trời có lẽ vẫn mọc lên đâu đó
Trên trời ...
Có thể nơi ta buổi sáng mà nơi bạn buổi chiều
Chào các bạn thân yêu !
Chào cuộc đời cho ta ngày mới !
Để sáng ra thức dậy ta còn nói trên Face
Là còn ta đây
Lại đến quán xưa
Gọi rất nhiều ly cà phê
Ngồi nhân nhi nổi nhớ
Bạn bè ...
LƯU VẠN CHÁNH
(04. Cao Thắng, Hải Châu, Dà Nẵng)

Thứ Sáu, 13 tháng 3, 2015

. THÁNG GIÊNG HỘI NGỘ


Tháng giêng âm lịch - Những ngày đầu Xuân, người ta vẫn thường bảo là thời gian rỗi rảnh. Bạn bè tìm đến thăm nhau, tổ chức họp mặt, hay đi đánh cờ, chơi bài, ...
Tháng giêng với tôi là những ngày còn bé, lon ton đi theo cha xem cha chơi đánh cờ oai, bài cartes trong xóm, có khi ông còn chở tôi qua tận bên Bao Vinh để rồi ông chơi cờ với mấy người bà con. Còn tôi thì ông cho ngồi chơi xơi bánh mứt hay làm "chầu rìa sư"
Tháng giêng với tôi, tuổi về hưu, thuộc dạng "hư trí" thì năm nào cũng vậy, các em CHS Bồ Đề Đà Nẵng lại mời họp mặt. Được gặp lại các em HS một thời mình từng ngồi giảng bài triết thuộc các môn Tâm lý học, Luận lý học, Đạo đức học. Tuổi đời các em cũng kém tuổi tôi trên dưới 5, 6 năm. Ngày nay, sau bốn mươi mấy năm gặp lại, thầy trò đều đã suýt soát ngang nhau, người nào tóc cũng đã hai màu, nếu như các em không nhuộm. Gặp lại các em, bắt tay nhau, tia nhìn gặp gỡ, tự nhiên thoáng một chút bùi ngùi. Trong thâm tâm, tôi vẫn thầm nghĩ, các em HS cũng như tôi đều cảm nhận: "Thời gian kinh khủng quá!".
Tuy nhiên gặp lại nhau tôi vẫn nghĩ: Đó vẫn là một mảng đời sống cốt lỏi của chúng ta. Chúng ta ôn lại một quảng thời gian. Những hoài niệm, những kỷ niệm sống động một thời và mãi mãi ... Chúng ta giữ gìn nó, sống với nó như một phần đời đáng quý, để thấy rằng cuộc đời vẫn có một cái gì đó rất dễ thương.
Năm nay đặc biệt, có lớp CHS Bồ Đề Đà Nẵng niên khóa 65-72 mời tôi họp mặt lớp. Lớp này, khi vừa rời khỏi mái trường Bồ Đề yêu dấu vào năm 1972 cũng có nghĩa là khi đó, tôi vừa ra trường và chưa dạy tại trường Bồ Đề. Thế nhưng các em CHS vẫn tìm đến nhà tôi và bảo rằng, thầy phải đến cho kỳ được. Chiều hôm qua, ngày mồng mười tháng giêng âm lịch, tôi đang tham dự với các em CHS Bồ Đề NK 68-75 nửa chừng thì cùng mấy đồng nghiệp GS khác đứng dậy xin cáo lỗi để qua tham dự với các CHS niên khóa 65-72 một chút.
Điều bất ngờ và gây cho tôi phút giây cảm động là tôi gặp lại anh Trần Văn Giai, một CGS dạy Bồ Đề những niên khóa trước khi mà tôi vẫn còn đang học cấp 3 hay đại học ngoài Huế. Anh Trần Văn Giai là bạn của anh Nguyễn Lương Hiền, anh ruột của tôi. Tại sao tôi lại quan tâm dến anh Giai? vì anh Giai cũng như một số người bạn của anh Hiền tôi ngày xưa khi còn học trung học Nguyễn Du Huế đều là những học sinh xuất sắc và là những người bạn thường hay về chơi nhà tôi nhất. Ngày đó ngôi nhà tôi ở xóm Chợ Dinh thường đông đúc bạn anh Hiền về tập trung chuyện trò, học hỏi lẫn nhau về các bài học ở trường. Do đó những người bạn của anh Hiền tôi đều quen và biết tên, xem họ như anh tôi. Một số các bạn của anh Hiền bây giờ tôi vẫn còn nhớ luôn tên họ, chỗ ở tại Huế: Anh Lê Văn Sâm nhà ở sau chùa Áo vàng, anh Vũ Văn Điểm ở đường Võ Tánh đối diện trường trung học Gia Hội, anh Trần Văn Giai ờ đối diện trường tiểu học Gia Hội ở Đò Cồn, anh Trần Thông nhà ở gần nhà tôi, anh Dương Phú Yên ở tuốt gần tận xóm trong của đường Bạch Đằng. Rồi anh Phan Thập Toàn, anh Hồ Đắc Duệ, ...
Ôi! ngày ấy nhà tôi sao đông và vui thế. Những người bạn của anh Hiền tôi, các anh đều học hành đàng hoàng, rất giỏi và nhất là viết chữ lại giống nhau nữa. Tôi nhớ ngày ấy các anh có phong trào viết chữ bằng cây viết Serrent major, một loại viết bằng ngòi viết như viết lá tre, mỗi lần viết phải chấm mực. Mực ở đây là mực các anh mua bột về hòa trong một cái bình nhỏ. Mỗi lần viết là phải chấm. Các anh viết và giữ gìn vở rất công phu. Bài ở trường, các anh viết nháp, xong đem về mới bắt đầu viết vô vở, nắn nót từng chữ, rất đẹp, sạch sẽ, công phu lắm. có vậy thầy Nguyễn Dình Chung dạy toán khi nào chấm vở anh hiền cũng cho điểm 10/10 và đi từng bàn cho HS xem!
Một trong những người bạn mà ngày ấy anh Hiền vẫn quý mến là anh Trần Văn Giai. Thế nhưng sau này khi tốt nghiệp Tú tài 2 hạng Bình, anh Giai lại đi thi vào sư phạm Quy Nhơn và học cho đến khi ra trường đi dạy cấp 1, một thời gian dài anh mới chuyển đổi lên dạy cấp 2. Và nơi anh dạy lại là trường Phan Châu Trinh, gặp anh Hiền tại đó.
Dòng thời gian trôi nổi, anh Giai chuyển trường, anh Hiền và anh Giai ít khi gặp nhau. Điều mà tôi vẫn thường nghe anh Hiền vẫn nói mỗi khi nhớ về anh Giai là "Giai học giỏi mà lại chỉ bằng lòng với nghề đi dạy cấp 2 thì cũng uổng!"
Và hôm qua, khi tôi đến bắt tay anh Trần Văn Giai, giới thiệu tôi với anh, anh Giai lại vẫn nhắc lại câu nói đó của anh Hiền.
Đúng là mỗi người mỗi số phận, mỗi người mỗi cảnh đời.
Anh Giai năm nay đã 80 tuổi. Nếu anh Hiền tôi còn sống thì cũng bằng tuổi như anh Giai. Nhưng anh tôi đã ra đi khi anh chỉ vừa 51 tuổi.
Tuổi còn quá trẻ!
TUAN NGUYEN

Thứ Năm, 12 tháng 3, 2015

Bóng người trong sương

.
                  Hai tháng sau mùa khai giảng năm ấy, một chiều cuối thu thì phải, lớp đệ lục 6 chúng tôi có giờ Văn của Thầy Viên Minh. Không bao giờ quên được dáng đi nhanh nhẹn của Thầy, tay thầy lúc nào cũng cầm cây ba toong ngắn như khúc đoản côn và thầy đi dáng khoái hoạt. Điều đặc biệt khác là thầy rất thường nhai trầu. Từ phòng học tầng hai nhìn xuống thấy thầy chuẩn bị lên lầu là đám học sinh chúng tôi nhào vào bàn,ngồi im thin thít. Thầy không hề đánh đứa nào ,nhưng lớp học có thầy luôn nghiêm trang và tám mươi mái đầu im lặng ngồi nghe bài giảng. 
Chiều hôm ấy Thầy Viên Minh giảng bài “ Bóng người trên sương mù “ của nhà văn Nhất Linh. Cho đến bây giờ,dù đã bước qua ngưỡng của tuổi sáu mươi,tôi vẫn còn thấy rờn rợn khi hồi tưởng lại lúc mà Thầy đọc và giảng từng đoạn của câu chuyện nội dung nói về linh hồn người vợ vừa mất đã tức khắc hiển linh đến giúp chồng tránh khỏi một tai nạn hỏa xa thảm khốc.”..  Xe tiến đến đâu, cái hình người lại đến đấy, có lúc mờ, lúc rõ, lơ lửng giữa lưng trời. Rồi cái hình người ấy vẫy hai tay một cách thong thả, như có ý bảo chúng tôi đừng tiến lên nữa, có sự gì nguy hiểm……..Còn tôi lúc bây giờ hai tai ù như người mất trí khôn: tôi văng vẳng nghe có tiếng người ở thật xa đưa lại, tiếng một người đàn bà bảo tôi:- Đỗ lại ! Đỗ lại !” ( Nhất Linh”.

Ngày xưa ấy tôi học giỏi đều các môn, sau nầy có lúc nhớ lại, tôi tin chắc rằng nổ lực của tôi thật ra chỉ có ba phần ,còn trình độ sự phạm cùng luơng tâm của các thầy tôi đã hết 7,nhờ vậy mà giúp tôi hiểu thấu suốt mọi môn học. Thầy Văn Hiên,thầy Giai dạy toán rành mạch,Thầy Xê dạy hóa, lúc nào học sinh hiểu được giáo khoa ,thông suốt định đề, định lý rồi mới cho làm toán thực hành, từ bài dễ đến bài khó rồi bài tập chuyên sâu, Lời giảng thấm vào máu thịt tôi đến nỗi nhiều năm sau,tôi áp dụng phương pháp của các thầy để giảng cho con cái tôi về vòng tròn nội tiếp, về quỹ tích…..dù tôi không làm nghề thầy giáo.

Thầy Đặng Tuyên dạy Lý. Vẫn còn nguyên trong ký ức tôi,ngày ấy trên bục giảng , thỉnh thoảng thầy cầm hai bên hông chiếc quần tây dài mà kéo lên, không phải vì nó rộng mà thầy làm như thế để biểu lộ sự hài lòng với chính mình khi thấy đám học trò ngồi dưới lớp đã hiểu đoạn bài vừa giảng. Chỉ riêng bài am- pe kế là tôi trả lại cho thầy vì bản tính tôi rất sợ điện giật.

Không thể không nhớ thầy Đặng Linh dáng người to cao, tiếng nói mạnh mẽ giảng rành rẽ từng mẫu văn phạm tiếng Pháp vốn không đơn giản với chúng tôi, trong chiếc cặp thầy mang theo lúc nào cũng có cây thước gỗ vuông, mà có điều lạ là chưa vị thầy nào đánh roi học trò cả, nhưng những cây thước như có uy lực linh thiêng khiến lũ học trò chúng tôi phải khuất phục,thậm chí thầy Đức Tịnh,lúc giận lắm cũng chỉ đánh cây thước xuống bàn là cả lớp học sợ hãi, nín khe, nhất là Thầy Tâm Hòa,dạy vẽ, cũng có cây thước nhưng có làm trái ý Thầy đến đâu ,Thầy cũng cười độ lượng đúng như Pháp hiệu của Thầy.
Và còn nhiều vị ân sư khác nữa, mỗi người là mỗi tinh túy chắt lọc mang cùng cái tâm từ  mẫn mà đi vào máu thịt những người là học trò chúng tôi một thời khờ khạo.

Trách nhiệm của các Thầy cung cấp kiến thức cho chúng tôi vào đời , còn tâm huyết các Thầy giúp chúng tôi khôn lớn. Điều kỳ diệu hơn tất cả mọi điều là dù cho kiến thức,dù cho ký ức có nhạt nhòa theo năm tháng nghiệt ngã của đời người, hoặc mòn vẹt, quên lãng  theo tuổi tác thì cái tâm hướng thiện được thăng hoa từ cốt cách của bao nhiêu vị thầy luôn định hướng tư cách của lũ học trò chúng tôi năm xưa ngơ ngáo, nhiều năm sau sống không hề chệch hướng .Các Thầy luôn là những cái bóng đi bên cạnh đời chúng tôi,như bóng người đàn bà trong sương mù kia đến kịp lúc để giữ chúng tôi khỏi trượt chân giữa đời đầy phiền trược.

Kính yêu về các Thầy trường Trung học Bồ Đề .

Nguyễn Cư .

Thứ Ba, 10 tháng 3, 2015

Chủ Nhật, 8 tháng 3, 2015

Xuân và mùng 8 tháng 3

.

                                                                 Photo by Viết Dũng







NHÂN NGÀY 8 THÁNG 3

XIN DỊU DÀNG NHẮN GỬI CÁC EM TÔI
QUẤN QUÝT BÊN NHAU ĐẾN CUỐI CUỘC ĐỜI
KÝ. ÚC XA XƯA MỖI MÙA PHƯỢNG NỞ
MÃI TRONG LÒNG XIN NÍU GIỮ ĐỪNG TRÔI



Toãn Hoàng

THÂN TẶNG CỰU NỮ SINH TH BỒ ĐỀ