Thứ Sáu, 11 tháng 12, 2015

.HƯƠNG XƯA.

      Chẳng phải riêng mỗi người,mà rất nhiều người Bồ đề, nhớ những ngày đó,Đà nẵng mưa lướt thướt.Những giọt mưa đọng trên lá ,rơi nhẹ trên nón áo mưa rồi nằm lại trên mắt trên môi .Những vũng nước trên vỉa hè đường Quang Trung đầy cành và lá vàng,làm cho bước chân đám học trò vướng víu Tiếng dội vô thanh của những hạt mưa đó , đã trở thành âm xa vắng.Một miền nhớ được hình thành trong cõi Hương xưa.
      Tháng mười một âm bây giờ,phố cũng ướt đẫm bởi những hạt mưa.”Lời Đường thi nghe vẫn rền trong sương mưa.Dù có bao giờ lắng men đợi chờ.Tình Nhị hồ vẫn yêu âm  xưa..” Âm Hương xưa của Cung Tiến vẫn dìu dặt trong ánh nắng chiều hiếm hoi của những khi mưa chợt tạnh.Nghe Hương xưa của người,chạnh nhớ chút hương xưa của chúng mình.Thuở là học trò Bồ Đề.
      Một cuộc đời đi qua,60 năm dài,luôn ở tâm thức động. Động từ thuở mới nằm nôi.Những ngày tháng đó có còn lại gì, khi một chiều chợt nhớ.Nhớ gì?Hương xưa của một mái tóc dài.Một bờ vai nhỏ.Con đường xưa đầy bóng nắng và những buổi tan trường ,bụi đỏ vướng chân ai.Hương xưa gợi nhớ… Nhớ trong tâm thức tĩnh tại của những người, đã không còn trẻ nữa.

      Từ nguyên của danh từ hương kèm theo tính từ xưa là mùi thơm .Tìm là động từ kiếm,về cũng là động từ trở lại.Một tĩnh và một động.Một là thuộc tính của cảm xúc và một là thuộc tính của bản năng.Bước chân đi sẽ làm động những ký ức mịt mờ.
      Khởi đầu là năm, tháng. Thời gian  xa rồi, biến thành mùi xưa cũ.Hương xưa là dẫn chất đưa xúc cảm đến với người.Xúc cảm đánh thức bản năng của người,là đông vật cấp cao.Trong những bản năng đó là tìm về.Sự khởi đầu không có đoạn cuối.Là vô thủy,vô chung.Hương vẫn hiện diện và vẫn đi theo mình cho đến khi nhắm mắt ,xuôi tay.Bởi đó là Hương xưa .. Động mà chi cho thêm đau ở bước chân về.
      Thì hãy là hương, là hoa của miền xúc cảm.Nhớ là thuộc tính của xúc cảm ,như đã nói.Trong nội hàm Nhớ , đã bao gồm hai chữ tìm về.Nhưng động tác tìm về,khi thực hiện,mới biết là sẽ đối diện với hư không.
      Có còn bao nhiêu đêm 30 nữa? Để nhớ về những đêm 30 xưa.Có người con gái đến thăm,thì thầm :”... Chỉ còn chút hương xưa.Rồi cũng phong ba.Rụng cùng mùa...”
Một ẩn dụ đầy ma mị.

                  Hoa Trần

Thứ Sáu, 4 tháng 12, 2015

.VÀI NÉT VỀ LỚP HỌC PHÁP VĂN (1968 - 1975)


                                                       
          Vào sau muà hè 1968 những học trò Tiểu học ( hoặc bố mẹ) chọn tiếng Pháp làm sinh ngữ chính vào học đệ thất. Ban đầu lớp đệ thất ấy có bao nhiêu học trò, nhiều người đã không còn nhớ. Những năm tiếp theo có thêm một số học trò nữa đến từ các vùng quê nghèo bị chiến tranh tàn phá. Đến năm lớp 9 (lúc này không còn gọi lớp đệ tứ) sỉ số lớp đã gần một trăm bạn. Vào năm lớp 9 có vài bạn về quê tham gia cách mạng (Nguyễn Nhỏ - đã hy sinh), một số bạn bị bắt bỏ tù cùng vố một số bạn các lớp khác vì tham gia phong trào đấu tranh của học sinh sinh viên  (Nga, Tuyết...)
          Cuối năm học lớp 9, một số bạn rời trường đi học tại các trường khác trong thành phố như trường Phan Châu Trinh, trường Ngoại Ô (sau này là Thái Phiên), trường Đông Giang (sau này là Hoàng Hoa Thám), trường Hòa Vang (sau này là Ông Ích Khiêm) cũng có bạn vào Trường Kỹ thuật Cao Thắng ( sau này là Cao đẳng kỹ thuật Đà Nẵng).
           Khi vào trung học đệ nhị cấp (cấp ba bây giờ) hầu hết đều học tiếp tục vào các lớp 10B1, B2, B3, A1, A2, A3. Nhưng đến tiết học Ngoại Ngữ thì được trở lại học chung (Sinh ngữ Pháp là chính, sinh ngữ Anh là phụ). Cũng trong thời gian từ lớp 9 đến lớp 12 đó, ngoài việc học văn hóa theo chương trình chung, các bạn còn rủ nhau làm một số tờ báo tường (bằng vải) như tờ Tự Lực, tờ Sao Đêm; có vài bạn sáng tác, in và phát hành tập thơ “ Mỏi mòn hơi thở”, “Tình đất”, tham gia thuyết trình  toàn trương; ....cũng có bạn bị đuổi học vì cho là chống chào cờ trong buổi chào cờ sang thứ  hai đầu tuần,  một số bạn tham gia chiến tranh (kể cả hai phía: Hòa, Lộc, Phụng…. ).
          Khi thành phố được giải phóng, nhiều bạn tiếp tục học để thi tú tài và sau đó vào một số trường Đại học, một số bạn theo gia đình về quê....và nhiều bạn sau khi tham dự các khóa  học cấp tốc, trường Sư phạm đi dạy học tại các trường trong toàn tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng, một số bạn làm nhiều việc để kiếm kế sinh nhai do khó khăn cụ thể sau chiến tranh;  một số bạn đi nước ngoài theo gia đình, một số bạn đã định cư ở các tỉnh, thanh phố khác. Đến nay, hầu hết vào tuổi sáu mươi,”lên chức” ông, bà.
          Từ những ngày rời trường (1975) các bạn cũng liên hệ với nhau, lúc đầu là một nhóm khoảng chừng 20 bạn  có gia đình ở quanh khu vực chùa Tỉnh Hội, những người có công lớn trong việc kết nối bạn bè như  Dương Hiển Bảo, Huỳnh Thị Mai, Ngô Hủy, Hà Phú, Trần Ngọc Dũng.... Vào năm 1986, cách đây 30 năm, đã tổ chức một cuộc họp toàn thể quy mô lớn tại Công viên 29/3 Đà Nẵng.  Sau đó được tổ chức gặp mặt toàn thể hàng năm . Gần đây, từ đầu năm 2014 qua cuộc họp mặt đã cũng cố ban liên lạc. Dù ở đâu, làm gì, hoàn cảnh cụ thể của từng bạn có khác nhau nhưng vẫn nhớ về thầy xưa bạn cũ. Vẫn nhắc đến các thầy Đặng Linh, Văn Hiên, Nguyễn Phúc, Đặng Công Hanh, Bữu Ngô, Tăng Nga, Đặng Tuyên, Võ Khức Giai….Tâm niệm của lớp là gặp nhau để ôn lại một thời tuổi trẻ, nhắc nhở nhau sống tốt quý yêu bạn cũ, trường xưa.
        Nhân dịp 40 năm ngày rời mái trường  gắn liền với tuổi thơ đầy kỷ niệm của cựu học Bồ Đề Đà Nẵng, xin góp thêm một số thông tin để nhớ và tìm về./.

  Phạm Xuân Quang


Thứ Năm, 3 tháng 12, 2015

.TRƯỜNG XƯA

Tuổi già sức yếu, chẳng còn bao
Nhưng Thầy vẫn viết vài dòng ngắn
Gửi đến đàn con ở mái trường
Trường xưa, nơi ấy vẫn còn đó
Nhưng đã không còn những nét xưa
Thầy ơi! Có lẽ Thầy buồn lắm…
Chẳng biết khi nào trở lại xưa.

                       Nguyễn Hoành Trung
                          (NK 65-72)