Chủ Nhật, 15 tháng 2, 2015

SUY NGHĨ VỤN VÀO NHỮNG NGÀY CUỐI NĂM, KHI GẦN THÊM MỘT TUỔI.

Ngậm ngùi bởi tiếc nuối tuổi trẻ đã trôi qua lúc nào không hay ! Ngậm ngùi phải chi hồi đó thế này thế khác… Hình như ta chẳng bao giờ thực sống. Lúc còn trẻ, ta mơ ước tương lai, sống cho tương lai. Nghĩ rằng phải đạt cái này cái nọ, có được cái kia cái khác mới là sống. Khi có tuổi, khi đã có được cái này cái nọ, cái kia cái khác thì ta lại sống cho quá khứ ! Nhỏ mong cho mau lớn, lớn mong cho nhỏ lại. Quả là lý thú ! Tóm lại, ta chẳng biết quý những giây phút hiện tại.
Từ ngày có “thế giới phẳng”, ta còn sống với đời sống ảo. Ta ngồi đây với bạn nhưng chuyện trò với một người nào khác, cười đùa, nhăn nhó, giận dữ, âu yếm với một người nào khác ở nơi xa. Khi bắt lại câu chuyện thì nhiều khi đã lỡ nhịp ! Hiểu ra những điều tầm thường đó, tôi biết quý thời gian hơn, quý phút giây hiện tại, ở đây và bây giờ hơn.
Nhờ vậy mà không có thì giờ cho già nữa ! Hiện tại thì không có già, không có trẻ, không có quá khứ vị lai. Dĩ nhiên, không phải trốn chạy già mà hiểu nó, chấp nhận nó, thưởng thức nó. Khi biết “enjoy” nó thì quả có nhiều điều thú vị để phát hiện, để khám phá.
Một người 60, tiếc mãi tuổi 45 của mình, thì khi 75, họ sẽ tiếc mãi tuổi 60, rồi khi 80, họ sẽ càng tiếc 75 ! Vậy sao ta đang ở cái tuổi tuyệt vời nhất của mình lại không yêu thích nó đi, sao cứ phải….nguyền rủa, bất mãn với nó. Có phải tội nghiệp nó không ? Ta đang ở cái tuổi nào thì nhất định tuổi đó phải là tuổi đẹp nhất rồi,không thể có tuổi nào đẹp hơn nữa!
Ta cũng có thể gạt gẫm mình chút đỉnh như đi giải phẫu thẩm mỹ chẳng hạn. Xóa chỗ này, bơm chỗ nọ, lóc chỗ kia. Nhưng nhức mỏi vẫn cứ nhức mỏi, loãng xương vẫn cứ loãng xương, tim mạch vẫn cứ tim mạch… Cơ thể ta cứ tiến triển theo một “lộ trình” đã được vạch sẵn của nó, không cần biết có ta ! Mà hình như, càng nguyền rủa, càng bất mãn với nó, nó càng làm dữ. Trái lại nếu biết thương yêu nó, chiều chuộng nó một chút, biết cách cho nó ăn, cho nó nghỉ, biết cách làm cho xương nó cứng cáp, làm cho mạch máu nó thông thoáng, làm cho các khớp nó trơn tru thì nó cũng sẽ tử tế với ta hơn. Anh chàng Alexis Zorba nói: ” Cũng phải chăm nom đến thân thể nữa chứ, hãy thương nó một chút. Cho nó ăn với. Cho nó nghỉ với. Đó là con lừa kéo xe của ta, nếu không cho nó ăn, nó nghỉ, nó sẽ bỏ rơi mình ngang xương giữa đường cho mà coi” (Nikos Kazantzaki).
Từ ngày biết thương “con lừa” của mình hơn, tử tế với nó hơn, thì có vẻ tôi… cũng khác tôi xưa. Tôi biết cho con lừa của mình ăn khi đói, không ép nó ăn lúc đang no, không cần phải cười cười nói nói trong lúc ăn. Món gì khoái khẩu thì ăn, chay mặn gì cũng tốt. Cá khô, mắm ruốc gì cũng được, miễn là đừng nhiều muối quá ! Một người cô tôi mắc bệnh “ăn không được”, “ăn không biết ngon” vậy mà vẫn béo phì, đi không nổi, là bởi vì các con thương bà quá, mua toàn sữa Mỹ mắc tiền cho uống ! Sữa giàu năng lượng, nhiều chất béo bổ quá, làm sao còn có thể ăn ngon, làm sao không béo phì cho được? Giá nghèo một chút còn hay hơn! Cá kho quẹt, rau muống mà tốt, miễn bà ăn thấy ngon, thấy sướng ! Tôi cũng biết cho con lừa của mình ngủ hơn. Ngủ đầy giấc, đủ giấc. Ngủ đủ giấc là cơ hội tốt nhất cho các tế bào não phục hồi, như sạc pin vậy. Sạc không đủ mà đòi pin ngon lành sao được !
Bảy trăm năm trước, Trần Nhân Tông viết: Cơ tắc xan hề khốn tắc miên! (Đói đến thì ăn, mệt ngủ liền!) trong bài Cư trần lạc đạo, (ở đời mà vui đạo)! Ông là vị vua nhà Trần sớm nhường ngôi cho con, lên tu ở núi Yên Tử, Tổ sư thiền phái Trúc Lâm. Tu hành như vậy mà khi quân Nguyên xâm lấn nước ta, ông liền xuống núi, ra tay dẹp giặc, xong, phủi tay lên núi tu tiếp !
Mỗi người có đồng hồ sinh học của riêng mình, không ai giống ai, như vân tay vậy, cho nên không cần bắt chước, chỉ cần lắng nghe mình. Phương pháp này, phương pháp nọ của người này người kia bày vẽ chẳng qua cũng chỉ để tham khảo, nắm lấy nguyên tắc chung thôi, rồi áp dụng vào hoàn cảnh riêng cụ thể của mình, tính cách mình, sinh lý mình. Phương pháp nào có sự ép buộc cứng ngắc quá thì phải cảnh giác!
Cũng nhớ rằng tới tuổi nào đó, tai ta sẽ bắt đầu kém nhạy, mắt bắt đầu kém tinh, đầu óc bắt đầu kém sắc sảo. Tai kém nhạy để bớt nghe những điều chướng tai. Mắt kém tinh để bớt thấy những điều gai mắt. Đầu óc cứ sắc sảo hoài ai chịu cho nổi! Tuy vậy, tai kém mà muốn nghe gì thì nghe, không thì đóng lại, mắt kém mà muốn thấy gì thì thấy, không thì khép lại. Thế là “căn” hết tiếp xúc được với “trần”. Tự dưng không tu hành gì cả mà cũng như tu, cũng thực tập ưng vô sở trụ nhi sanh kỳ tâm!
Rồi một hôm đẹp trời nào đó ta còn có thể phát hiện mắt mình chẳng những nhìn kém mà còn thấy những ngôi sao lấm chấm, những lốm đốm hoa trên bầu trời trong xanh vời vợi kia. Nếu không phải do một thứ bệnh mắt nào đó thì đây hẳn là hiện tượng thoái hóa của tuổi già, nói nôm na là xài lâu quá, hết thời hạn bảo hành. Cái mà người xưa gọi là “hoa đốm hư không” chính là nó. Tưởng hoa đốm của trời, ai dè trong mắt mình! Chỉnh cái “tưởng” của ta nhiều khi làm hại ta. Biết vậy ta bớt mất thì giờ cho những cuộc tranh tụng, bớt tiêu hao năng lượng vào những chuyện hơn thua. Dĩ nhiên có những chuyện phải ra ngô ra khoai, nhưng cái cách cũng đã khác, cái nhìn đã khác, biết tôn trọng ý kiến người khác, biết chấp nhận và nhìn lại mình.
Khi 20 tuổi người ta băn khoăn lo lắng không biết người khác nghĩ gì về mình. Đến 40 thì ai nghĩ gì mặc họ. Đến 60 mới biết chả có ai nghĩ gì về mình cả ! Tóm lại, chấp nhận mình là mình và từ bi với mình một chút.

Hoa Vàng Mấy Độ ( Tp Huế)

HẠNH PHÚC VÔ BỜ





Một lần nữa như mọi năm đón chào xuân mới , chúng ta lại tổ chức thăm viếng cha mẹ của những bạn được ơn trên mưa móc cho mình còn niềm hạnh phúc vô bờ khi còn được cha, mẹ để báo dưởng.
Viết những dòng cảm nghĩ với mong mỏi được chia sẻ với bạn tôi và con cháu chúng ta :
Có lẽ trong cuộc đời mỗi con người ai cũng từng nhớ những buổi sáng bực mình cau có khi bị mẹ kêu réo gọi dậy rồi làu bàu giục khẩn trương thay quần áo để kịp tới trường, nhưng ta lại quên mắt ánh mắt tràn đầy yêu thương của mẹ. Dường như ta chưa thể quên cái cảm giác đau đớn trong những trận đòn của cha mỗi khi phạm lỗi, nhưng ta lại không biết trái tim người khi ấy như cũng đang rớm máu… Có lẽ vì cuộc sống bận rộn, hay vì nhiều lý do khác mà những tình cảm yêu thương trong suốt quá trình trưởng thành ấy đã bị lãng quên, mãi cho đến lúc tình cờ nào đó đọc được một câu thơ hay một bài văn của ai đó nói về cha mẹ, chúng ta mới bắt chợt nhớ tới cha mẹ mình…
Quá trình trưởng thành của mỗi người không giống nhau, nhưng tình yêu của cha mẹ đều như nhau. Trong những câu chuyện đời thường ấy, tình yêu của cha mẹ đều lớn lao như biển cả. Mỗi người trong chúng ta đều có câu chuyện từ trong hồi ức về tình yêu ấm áp của cha mẹ, đó có thể là những lời cảm ơn dành cho họ, cũng có thể là sự tiếc nuối và cả những lời chưa kịp nói…
Có rất nhiều thứ sẽ bị nhạt màu theo năm tháng, nhưng tình yêu của cha mẹ lại luôn ấm áp và nồng thắm. Suốt từng ấy năm tháng, chỉ có cha mẹ là người luôn dõi theo con, luôn lo lắng cho con, làm mọi việc vì con mình. Những người mẹ, người cha chẳng bao giờ đòi hỏi con cái phải làm gì cho mình, bởi đối với họ, chỉ cần thấy con mình được vui vẻ, hạnh phúc là quá đủ. Còn chúng ta, vì quá bận bịu, mải mê với cuộc sống mà chợt quên đi điều gì đó…
Nhưng hãy thử dừng lại, dù chỉ một phút thôi, để nhìn lại cha mẹ mình, để thấy mái tóc mẹ đã bạc thêm vài sợi, thấy khóe mắt cha có thêm vài vết chân chim. Chỉ một phút mỗi ngày thôi, nhìn lại những gì cha mẹ đã làm cho ta, rồi nghĩ lại xem mình đã làm gì cho cha mẹ… Rất có thể, một lúc nào đó, khi ta muốn bên cha nhiều hơn, muốn nói rằng "Con yêu mẹ" thì lại quá muộn rồi...Hãy trân trọng hơn những phút giây hiếm có bên cha mẹ, đừng để khi nhận ra thì đã quá muộn. Bởi sẽ có một ngày, khi ta khao khát có được sự bình yên bên cha, sự ấm áp trong lòng mẹ thì sẽ không còn nữa…
Mong rằng bạn, mọi người luôn nhận thấy rằng tình yêu của cha mẹ là tài sản vô giá nhất. Hãy vui sướng khi còn có cha mẹ trên đời, hãy nói với cha mẹ một lời chân thành: Con yêu người.
Mình nói với bạn mà như tâm sự với chính bản thân mình. Rằng tất cả chúng ta, ai ai cũng chỉ có một cha một mẹ. Điều đó là bất biến, là thiêng liêng nhất và không gì có thể thay thế được.
Lai Ngo – Ất Mùi - 2015

Thứ Sáu, 6 tháng 2, 2015

NHỚ TRƯỜNG BỒ ĐỀ ĐÀ NẴNG


Tôi vẫn thường đi qua con đường Quang Trung, tôi vẫn thường đi qua ngôi trường mang tên Nguyễn Huệ. Một cái gì thân quen làm tôi chú ý, tôi phải dán mắt nhìn vào. . Ngôi trường này còn ghi đậm trong ký ức tôi những kỷ niệm một thời, những tà áo trắng nữ sinh, đồng phục quần xanh áo trắng của nam sinh, những y phục màu xanh lam của các chú điệu, dãy hành lang chật hẹp nhưng thân thương dẫn tôi vào các lớp 12 ban A, 12B.
Tôi không quên được, mãi mãi không quên được, … ngôi trường mang hai tiếng Bồ Đề yêu dấu.
Ngôi trường đó, sau năm 1975 đã đổi tên thành trường cấp 2 Nguyễn Huệ, nhưng nhìn vào, tôi vẫn thấy đó là trường Bồ Đề, chẳng phải vì ở hai cánh cửa cổng còn hai chữ BĐ, chẳng phải vì ngôi trường chưa thay đổi phòng ốc bao nhiêu nhưng chính vì tình yêu của tôi mãi mãi vọng tưởng một thời hoàng kim nay đã bị mất đi, chính vì tâm hồn tôi luôn có một ngôi trường mang tên Bồ Đề hiện hữu.
Tôi tốt nghiệp Cử nhân Giáo khoa Triết Tây phương năm 1972, ra trường được Bộ Giáo dục bổ dụng vào dạy học tại trường Trung học Hòa Vang Đà Nẵng. tuổi đời còn quá trẻ, chưa có kinh nghiệm gì, thế nhưng sau năm 1973, tôi được vào dạy triết tại trường Bồ Đề là nhờ vào sự giới thiệu và chịu trách nhiệm của anh tôi, GS Nguyễn Lương Hiền. Những ngày đầu, tôi hết sức bở ngỡ giữa một tập thể GS dày dạn hơn tôi, lớn tuổi hơn tôi. Tôi vẫn tự nhủ mình phải cố gắng lên để khỏi phụ lòng trước hết là anh tôi và sau nữa là thầy Minh Tuấn, Minh Đàm đã hết lòng tin tưởng anh tôi để tôi giảng dạy tại trường Bồ Đề.
Năm đó, trường Bồ Đề tôi nhớ có tất cả 4 lớp 12: 12A1, 12A2, 12A3, và 12B. Lớp nào học sinh cũng gần 100 người. Bước vào lớp các em HS người nào cũng cao, to, lớn hơn hoặc bằng tôi, ngồi trên bàn GS nhìn xuống tôi thấy các em HS lố nhố tôi đã khớp. Thế nhưng bằng sự tự tin, bằng sự cố gắng để khỏi làm nhiều người thất vọng, tôi đã đứng được trên bục giảng mà không làm cho các em HS chán nãn, buồn ngủ, để có thể dẫn tới tình trạng lớp học bị mất trật tự. Tôi vẫn tự nghĩ, nói chuyện với các em về vấn đề triết học mà các em chịu khó nghe, không bị mất trật tự là coi như thành công, nhất là với những lớp học trên 100 HS.
Và tôi đã dạy tại trường Bồ Đề được gần 2 niên khóa thì xảy ra biến cố 29/3!
Tôi nhớ giữa niên khóa 1974-1975, anh tôi GS, Nguyễn Lương Hiền có nói với tôi: Mi là một GS mới ra trường, còn quá trẻ, lại dạy môn khó như môn triết trong một lớp học đông như rứa mà lớp không bị mất trật tự, chịu khó ngồi nghe giảng bài như vậy là mi thành công. Anh tôi kể, có một GS Phật tử, anh Trần Cao B từ Quảng Ngãi đổi về dạy tại Đà Nẵng, được Giáo hội Phật Giáo VN Thống Nhất Quảng Ngãi giới thiệu về dạy tại Bồ Đề ĐN nhưng thầy Minh Tuấn vẫn không tiếp nhận. Anh tôi nói, vì vậy mi phải hết lòng, cố gắng lên! Anh còn nói, sang niên khóa tới, tau sẽ giao một số giờ tại Phan Thanh Giản cho mi dạy thêm nữa. Tau cần thời gian để viết sách.
Lẽ cố nhiên người tính không bằng trời tính (?), bánh xe lịch sử đã nghiến nát tất cả. Nhưng 2 năm giảng dạy tại trường trung học Bồ Đề đã cho tôi nhiều kỷ niệm dễ thương, đáng nhớ.
Dạo đó, tôi dạy triết 3 nơi: Trường chính là Hòa Vang, và ngoài Bồ Đề, tôi còn dạy một số giờ tại trường Bán Công, do đó những giờ dạy của tôi tại hai trường tư thục, thú thực tôi dạy như chạy xô, nghĩa là đến lớp dạy xong là tôi về, dạy trường khác, ít khi ngồi nói chuyện nhiều với các thầy cô khác mà tôi nghĩ họ là những bậc đàn anh, đàn chị của tôi. Do đó, Gs trường Bồ Đề đông nhưng tôi biết là chẳng bao nhiêu. Tôi chỉ biết một số GS như anh Cát Văn Uẩn, anh Vĩnh Linh, thầy Nguyễn Phúc, anh Phạm Kim Ngọc, anh Đặng Công Hanh, anh Chương (dạy Anh văn), anh Hà Công Bê, đương nhiên thầy Minh Tuấn Minh Đàm thì tôi biết rồi.
Và các buổi họp tại trường Bồ Đề thì thú thật tôi chưa bao giờ tham dự, … nhưng có một lần, hôm ấy anh Hiền bảo tôi phải đi họp hình như là để bàn về phụ cấp thêm cho các GS dạy các giờ ở khối lớp 12 vì HS quá đông (trên 100 em). Và tôi đến họp với mấy thầy. Hôm ấy tôi nhớ là các GS đi họp rất ít nhưng buổi họp thì ngoài thầy Minh Tuấn, Minh Đàm còn có một thầy đại đức nữa phụ trách về tài chính đến dự. Buổi họp hôm ấy có khao thêm món ăn chay, GS đi ít, thầy Minh Tuấn nói: “thôi! Vắng người thì dài đũa “. Ông nhìn tôi và nói:
- Thầy là Tuấn mà tôi cũng Tuấn, vậy chừ biết gọi răng đây hè?
Nhìn nụ cười của thầy Minh Tuấn làm tôi cũng cười theo. Thầy Minh Tuấn bao giờ cũng vậy, có lối nói thật dí dõm.
Buổi họp đi đến kết luận: Những lớp nào trên 60 HS thì số tiền học phí thu được từ HS thứ 61 trở lên sẽ chia đều cho các GS có phụ trách dạy khối lớp 12 cũng như các bộ phận liên quan của nhà trường.
Dòng đời trôi qua, cũng đã 43 năm rồi bạn nhỉ, khi ngồi gõ những dòng chữ này, tôi vẫn hình dung ra không khí lớp học. Các giờ triết của tôi tại trường Bồ Đề thường diễn ra buổi sáng và khi tôi bước lên cầu thang, đi trên dãy hàng lang hẹp, rẽ trái là lớp tôi dạy các lớp 12 ban A, rẽ phải là lớp 12 B. Các giờ triết tôi dạy hẳn là những giờ triết muộn phiền với một số HS nhưng khi tôi kể chuyện để làm rõ bài giảng thì HS ngồi nghe chuyện mắt mở thao láo và khi tôi quay lưng, tôi nghe mấy tiếng cười khúc khích của mấy em nữ sinh bàn đầu.
2 năm dạy học tại trường Bồ Đề Đà Nẵng tôi có được niềm vui là gặp lại thầy Nguyễn Phúc, người thầy mà ngày tôi học lớp đệ thất và đệ lục tại trường trung học Nguyễn Du Huế đã được thầy dạy môn Quốc văn. Ngày đó tôi mê thầy, phục thầy vì thầy dạy kim văn rất hay. Tôi vẫn ước mơ sau này mình sẽ là người nối nghiệp thầy Nguyễn Phúc.
Mười mấy năm sau, tôi ra đời vào dạy tại trường trung học Bồ Đề Đà Nẵng, tôi gặp lại thầy, xiết bao vui mừng. Nhưng sau một vài lần trao đổi, tôi không nhìn ra được thầy Phúc ngày xưa của tôi. Thầy không còn dạy môn Quốc văn nữa mà dạy môn địa lý. Và khi nói chuyện với tôi thầy không có vẻ nồng nhiệt sôi nổi. Tôi buồn và tự nghĩ "Đừng bao giờ tắm hai lần trong một dòng sông"..
Sau này tôi được biết thầy hoạt động nằm vùng.
29 tháng 3 năm 1975, thầy Phúc không còn dạy học nữa và trở thành cán bộ cho đến ngày về hưu.
Cách đây hai năm, gặp thầy Đặng Công Hanh, tôi mới biết thầy đã qua đời, mặc dù hằng năm, họp mặt học sinh Bồ Đề Đà Nẵng, các em vẫn có mời tôi tham dự và gặp thầy Phúc, chuyện trò với ông, nhưng rất tiếc khi thầy qua đời, các em không thông báo để tôi thắp cho thầy nén hương.
Nhớ về thầy Phúc là tôi nhớ về kỷ niệm. Kỷ niệm cách đây hơn 50 năm, ngày ấy tôi là cậu học trò 12 tuổi, nhìn thầy, mơ ước được như thầy.
Như tôi đã nói, bánh xe lịch sử đã nghiền nát mọi ước mơ, mọi vẻ vời tương lai cho từng cá thể. Có thời gian, tôi bỏ dạy, về làm khung xe đạp. Tôi làm một anh thợ hàn, gạt bỏ mọi tư duy, gạt bỏ mọi chuyện thị phi. Tôi làm một anh … hàn sĩ, ừ mà hàn sĩ là thợ hàn!!!
Tôi lấy thế làm hạnh phúc. Ngày lao động, đêm ngủ khì!
Thế nhưng có một buổi tối, hôm ấy khoảng 8 giờ tối, có tiếng gọi:
- Thầy! Thầy Tuấn!
Tôi nhìn ra ngoài, một thanh niên, người tầm thước trung bình, áo quần nghiêm chỉnh.
- Thầy Tuấn, em là HS Bồ Đề đây!
Tôi bước ra sân, mở cửa cho em, mời em ngồi ở ghế có bàn kê sát cửa sổ. Tôi nhìn em HS và nói:
- Thầy xin lỗi em thầy không nhớ tên
- Em là Mai Bằng, HS Bồ Đề học triết với thầy.
- Chào em, em đến thầy chơi hay có việc gì không?
- Dạ em muốn mời thầy uống với em ly bia!
Tôi sững sờ nhìn Bằng, cảm động, Không ngờ giữa đêm hôm khuya thế này lại có một HS đến thăm mình và muốn uống bia với mình.
Tôi nói:
- Chà! Bây giờ đi tôi cũng nhác quá, hay ta uống nước trà cũng được!
- Không thầy! em có mang theo đây! Thầy cho em mượn 2 cái ly.
Bằng nói xong đi ra cửa lấy 2 chai bia mua sẵn để nơi xe Honda. Tôi vào lấy 2 cái ly để trên bàn. Vậy là hai thầy trò cụng ly.
Hôm ấy Bằng kể Bằng đi làm ở Ủy Ban TP, Bằng vẫn biết tôi làm sườn xe đạp. Bằng nói:
- Em đi làm nhà nước nhưng em vẫn nhớ những ngày đi học tại trường Bồ Đề. Em nhớ trường, nhớ thầy.
Tôi cảm động không ngờ một người đi làm với nhà nước XHCN mà vẫn đến với tôi. Bạn nên biết giai đoạn bao cấp, rất căng về chính trị, nhiều lần gặp vài HS mà tôi biết, thấy tôi các em không chào vì sợ ảnh hưởng này nọ, …
Sau này, có lần họp mặt CHS Bồ Đề, tôi có nhắc em Mai Bằng và các HS Bồ Đề cho biết em đã bệnh mà qua đời. Hôm đó tôi nhờ mấy em đưa tôi đến nhà thắp hương cho em.
Tôi gõ những dòng tự sự kể miên man mấy kỷ niệm về ngôi trường Bồ Đề Đà Nẵng, thuở tôi mới ra trường đi dạy đến đây thấy đã dài hơi rồi.
Mong các HS Bồ Đề, các bạn tìm thấy được một vài phút giây lắng đọng tâm hồn.

Thầy Nguyễn Lương Tuấn

CHIỀU THÁNG CHẠP NHỚ BẠN


          Những ngày cuối tháng chạp thời tiết se lạnh, mọi người tất bật lo Tết, đường phố đông vui, cờ hoa rợp sắc màu. Tôi nhìn mọi người ai cũng vội vàng chỉ có tôi thảnh thơi nhẩn nha hết con phố này qua con phố khác . Đi hoài mà chẳng biết đi đâu. Cái thời son trẻ qua rồi chừ trên đầu hai thứ tóc bạn bè chẳng còn ai, những đứa chí thân cứ dần bỏ tôi mà đi, bạn đời bạn học, bạn ăn chơi... Mùa xuân gần kề mà sao lòng buồn đến thế . Nhớ quá chừng những thằng bạn
tính tình hài hước, vui nhộn nó luôn làm vui mọi người trong những lần gặp mặt. Từng thằng từng thằng đứa trước đứa sau ra đi vì bạo bệnh, vì đột quỵ đếm không hết trên hai bàn tay. Thằng Nguyễn văn Hải, thằng Nguyễn văn Út, thằng Ngô văn Đoàn, thằng Nguyễn văn Thập, thằng Trần Thanh, thằng Lý Bình, thằng Lý văn Sang, thằng Đỗ Thoàn, thằng Trương Như Minh, thằng Trần Bá Thời, thằng Lê Đình Viết, thằng Nguyễn văn Xuân, thằng Trương Văn Thương. Trên một tá, mười bốn thằng, thằng nào cũng thân thương cũng gần gủi, cả khoảng đời chia xẻ biết bao buồn vui, sướng khổ.
              Ôi những thằng bạn của tôi chúng nó chừ nằm yên dưới ba tấc đất chẳng biết có thằng nào nhớ ly cà phê mỗi sáng bên góc phố thân quen? Nhớ những ngày bỏ nhà lang thang đi bụi cùng nàng tiên nâu mờ ảo ? Những đêm đèn màu trong vũ trường nổi loạn ? Biết bao kỷ niệm cái thời trai trẻ vụng dại ngu ngơ , những trò tinh nghịch khi xưa và cả bây giờ. Chúng mày bỏ ta đi hết . Bỏ chốn trần gian nhiều bụi bặm, bỏ mọi phiền muộn lo toan cuộc sống, bỏ cả niềm vui hiếm hoi những lúc bên nhau hàn huyên ôn kỷ niệm.
              Cuối năm rồi vài ngày nữa xuân sang, mùa xuân mùa của sum họp, của niềm vui và hạnh phúc ấy thế mà tôi hoài niệm nhớ nhung những thằng bạn đời, bạn học đã vĩnh biệt cõi trần .
Chiều xuân mưa bụi bay bay, bên góc đường Lê Lợi mình tôi nhớ bạn hiền. Rồi có ngày tôi cũng theo chân các bạn, chẳng biết trước được điều gì Cuộc sống vô thường mà.
             Các bạn tôi ơi hãy yên nghỉ nhé, mùa xuân về rồi đó . Tôi sẽ đi tiếp phần đời còn lại của mình với hình ảnh thân thương các bạn trong tim tôi.

Hoàng Lân

Thứ Tư, 4 tháng 2, 2015

Bồ Đề Thân Thương

Hơn 40 năm rồi từ ngày tôi xa mái trường Bồ Đề yêu dấu.
Biết bao đổi thay đã đến với ngôi trường và đến với cuộc đời mình.
Trường bây giờ đã đổi tên là Nguyễn Huệ.
Con đường mát rượi bóng cây giờ cũng chẳng còn cây, để mỗi lần mình đi qua cứ tìm hoài trong thương nhớ.
Còn đâu bóng dáng những cô nữ sinh áo dài trắng xinh xinh với nhạc guốc khua vang và tiếng cười trong veo chao nghiêng vành lá.
Những ngày nắng vàng hoe nhảy nhót trên tóc trên vai, những ngàymưa lao xao tiếng gió.
Cô cậu học trò ôm cặp sách trên  tay mà mơ về một tương lai rạng rở, hồng tươi.
Ngày tháng đó đã vút qua mau, chỉ còn là kỷ niệm, nhưng kỷ niệm đẹp không thể phai nhoà.
Bạn bè mến thương ơi chúng mình đã là những con bướm bé bỏng xinh xắn ngày nào của vườn hoa Bồ Đề rạng rở, chẳng thể nào quên nhau dù tháng năm đã xa vời vợi.
Lòng cứ mến yêu dù vật đổi sao dời dù kẻ còn người mất.
Chúng mình mãi mãi là những tình bạn đẹp.
BỒ ĐỀ THÂN THƯƠNG ƠI !

                                Lâm Ngọc Dung

Thứ Ba, 3 tháng 2, 2015

.MẮC CẠN


Đời như sóng…anh con thuyền vô định
Trôi dạt lang thang cuối bãi đầu ghềnh
Đã tơi tả những chiều trôi định mệnh
Trôi về đâu… mà mắc cạn bờ em ?

Như Không
5/2014