Chủ Nhật, 29 tháng 6, 2014

MỘT NGÀY VUI

Mãi rồi cũng sắp xếp được ngày đi dã ngoại như dự tính,dù thiếu vắng rất nhiều bạn do bận việc nhà .

Buổi sáng ăn bánh mì, cà phê ở quán Hoa Trần lên danh sách, bàn bạc ăn món chi, ai phụ trách ? Lê Tấn Thành xung phong lo hậu cần , món ăn thống nhất : gà luộc, xôi, thịt nướng, trái cây, nước uống tự túc, bia bọt tùy nghi .
Địa điểm gần Suối Lương, phương tiện xe máy, nơi tập trung Khách sạn công đoàn 7h00 ngày 11/5/2014

Đúng kế hoạch 7h30 có mặt đông đủ hội hoàng gia, đứng ngồi vỉa hè Nguyễn Tất Thành thổi kèn acmonica, xong mọi người thẳng tiến đường bờ biển đến suối : Công viên thời đại .
Trời hôm nay nóng nắng cực điểm, thuê cái sạp vip dưới bóng cây bên bờ suối vậy mà mồ hôi vẫn thánh thót rơi ướt đầm áo, mấy bạn nam ở trần, quần short, nữ có 4 nàng chỉ có 2 thay đồ ngắn lội suối còn 2 nàng trên bờ .

Đồ ăn được bày ra la liệt, món nào cũng hấp dẫn: gà xé muối tiêu chanh, xôi trắng, thịt ba rọi nướng lu dòn tan, khoai lang luộc, đậu phụng rang, xoài, ổi, mận , giữa bàn tiệc là hai đóa hoa hồng son môi của Thức hái từ nhà đem đi cùng mấy bông hoa sim tím Thức lội suối hái về. Đàn ghi ta réo rắt nhạc Lê Uyên Phương “ TÌNH KHÚC CHO EM” do đờn sĩ Ngọc Khánh, ca sĩ Tấn Thành cùng bè nữ Lựu, Việt, Hoa, Quy mở màn văn nghệ trưa .
Như hoa đem tin ngày buồn
Như chim đâu quên mùa xuân
Còn trong hôn mê buồn tênh
Lê mãi những bước ê chề

Xin cho thương em thật lòng
Xin cho thương em thật lòng
Còn có khi lòng thôi giá băng.

Cho em môi hôn vội vàng
Cho em quen ân tình sâu
Dù em không mong dài lâu
Xin cất lấy ước mơ đầu

Xin cho yêu em nồng nàn
Xin cho yêu em nồng nàn
Dù tháng năm buồn vui bàng hoàng.

Vì đâu mê say phồn hoa
Như áo gấm sáng lóng lánh
Ôm rách nát không tâm linh
Ôm tiếng hát không hơi ru nghèo nàn

Cho tôi yêu em nồng nàn
Cho tôi yêu em nồng nàn
Dù biết yêu tình yêu muộn màng. 
       
Lời nhạc thiết tha nồng nàn giữa trưa nắng nóng nghe như tiếng thở vọng từ suối vang vang, cứ thế chúng tôi hát hết bài này đến bài khác, không đầu không đuôi, hát và tiếng cụng ly dzô dzô, tranh nhau nói, cười như nắc nẻ, không ai trong chúng tôi nghĩ mình đã là ông, bà nội ngoại của đám cháu ở nhà. Hết thùng bia thứ nhất vài bạn nhảy ùm xuống suối bơi lội và nữ hot girt của lớp chúng tôi xuất hiện với bộ bikini đỏ làm mọi ánh mắt đứng hình trong mấy phút.  Vui quá là vui thế là mọi chuyện quay qua chủ đề khác : Thức, Tân, Khánh, Thành, Lân, Dũng cả 6 chàng ngự lâm pháo thủ cứ xuống suối lặn cố tình bắt cho được nàng tiên cá Lựu mà không ai bắt được vì nàng rất nhanh lẫn trốn, hai chàng trên bờ Quang Thu, Đức Thành chép miệng tiếc nuối nhưng sợ nước nên dù rất thích vẫn ngậm ngùi ngồi ngắm từ xa.

Cuộc vui đến 14h có hai chàng ngã ngựa nằm xoài há miệng thở, lại có trò nghịch như ngày xưa còn bé, lấy muối bỏ vào miệng Tân, chàng ta say bí tỉ chẳng biết chi thỉnh thoảng le lưỡi liếm chắp chắp trông chết cười . Dũng nằm đánh một giấc mặc thiên hạ cười nói xôn xao, đúng là người vô tư.

15h chúng tôi thu xếp tư trang lên đường về nhà.
“Chưa có bao giờ đẹp như hôm nay, đất nước mây trời lòng ta mê say…”           
       Có lẽ kỷ niệm ngày hôm nay sẽ theo chúng tôi mãi mãi, một tình thân gắn kết từ thời cắp sách để qua bao năm tháng cuộc đời dâu bể gần cuối đời ngồi lại cùng nhau vui chơi như trẻ thơ . Khánh có đề nghị thật hay và ai cũng nhất trí lấy ngày 11/5 làm ngày sinh nhật nhóm. Khi những khoảng lặng trong lòng lắng xuống chúng tôi cay cay nơi mắt khi nhắc về các bạn đã về cõi vĩnh hằng vì thế không cứ gì phải trách cứ giận hờn thù ghét nhau khi cuộc sống thật vô thường, vừa thấy đó đã vội xa nghìn trùng. Nắm tay nhau và xiết chặt các bạn nhé.
Một ngày vui, thật vui, mãi mãi không quên

                11/5/2014
                   HV

Thứ Bảy, 28 tháng 6, 2014

Bạn nằm viện - nguy cơ hỏng mắt.

CÙNG CÁC BẠN BỒ ĐỀ THÂN YÊU !!!

" Thương đôi mắt huyền tà áo trắng
Qua phà em khẽ bước xôn xao
Ta thả hồn theo ru cõi mộng
Cô tiên nho nhỏ học BỒ ĐỀ..."


Đó là những dòng thơ của chàng tình si tặng cho NGUYỄN THỊ MẪN cách đây hơn 40 năm .

Và nay đôi mắt ấy không còn lung linh như thuở nào .Mẫn đã không may bị trục trặc về 
dây thần kinh thị giác chèn mạch máu não, phải vào điều trị giải phẩu ở TP Hồ Chí Minh.
Hoàn cảnh gia đình bạn Mẫn khó khăn đơn chiếc, xa chồng, còn nuôi 1con còn đi học,
bạn bán sữa đậu nành ...


Thật là khó cho một chuyến đi xa điều trị bệnh ngặt nghèo!
Các bạn ơi ,hãy chung tay giúp bạn Mẫn vượt qua khốn khó này nhé !
Hiện nay bạn đang điều trị tại BV Chợ rẩy, TP HCM

Sáng nay (28.6.14) lúc đi thiện nguyện CHS TH BỒ ĐỀ ĐN tại Bệnh viện Nhi
 Nữ Nguyễn đã xin ủng hộ được một số tiền mặt :


*CÁC ANH CHỊ CHS BỒ ĐỀ (LỚP LỚN)

Anh (chị)

1 .NGÔ LAI                          500 000 đ
2 .NGUYỄN THÙY TRINH   100 000 đ
3.NGUYỄN THỊ BÊ HOA     100 000 đ
4. NGUYỄN THỊ MAI CHI    100 000 đ
5.TRẦN HỮU VIẾT              100 000đ

6.HỒ VĂN PHONG              100 000đ

*CÁC BẠN CÙNG LỚP  :


1.NGUYỄN ĐỨC LÀNH    1 000 000 đ
2.NGUYỄN THỊ HẠNH         500 000 đ
3.NGUYỄN THỊ NỮ             500 000 đ
4.NGUYỄN THỊ HỒNG        200 000 đ
5.PHAN THU BẢY               300 000 đ
6.TRẦN THỊ HOA                100 000 đ
7.TRƯƠNG V THƯƠNG    100 000 đ

8.VÕ VIẾT DŨNG               100.000 đ
9. HUỲNH KIM QUY          100.000 đ
10. LÊ QUÝ TRÂN           1.000.000 đ 
11.NGUYỄN QUANG THU  100.000 đ
12.NGUYỄN NGỌC KHÁNH100.000 đ
13.VÕ THỊ THẠCH               100.000 đ
14.TRẦN THỨC                   100.000 đ


Nữ Nguyễn 
0906.434.482
Phó trưởng Tiểu ban từ thiện xã hội



Thứ Năm, 26 tháng 6, 2014

THÔNG BÁO VỀ TỪ THIỆN






Bệnh viên Phụ sản – Nhi

Thông báo về việc tham gia từ thiện kết hợp với CHS TH BỒ ĐỀ ĐN 
Các anh em CHS sắp xếp công việc để tham gia buổi phát quà cho các cháu tại:

- Địa điểm   : Bệnh viên Phụ sản – Nhi ( BV 600 giường)
- Đối tượng :  Khoa nhi ung bướu
- Số lượng  : 200 phần quà, mỗi phần là 2 hộp sữa Vinamilk
- Kinh phí   : Số tiền là 2.622.000đ, trích trong quỹ thiện nguyện 22/6 .
- Thời gian : 8h30 ngày thứ bảy 28 tháng 6 / 2014


   *Tập trung lúc 8h00 tai 63 Lê Hồng Phong ĐN

hoặc
    tập trung lúc 8g30 tại cổng Bệnh viện Phụ sản - Nhi ,
 đường Lê Văn Hiến , Q Ngũ Hành Sơn.


BLL. CHS Bồ Đề 68-75

Huỳnh Chí Thành


 










DƯ ÂM



Khi niềm vui quá lớn thường vỡ òa, ào ào thác lũ, nó cuốn phăng phăng mọi cảm xúc, khuôn mặt mếu đi vì cười, mắt nhắm tít vì cười. Việt là người ít biểu lộ, thường đứng sau sân khấu những vui cười xôn xao của mọi người, lắng nghe và cảm nhận.


Hình như cũng lâu lắm, không thể xác định thời gian. Chẳng có ai ngồi đong đếm tiếng tích tắc của đồng hồ, tiếng lá rụng ngoài sân, tiếng mưa rơi bên thềm hay giọt nắng rưng rưng cành phượng vỹ, chỉ biết rằng thật lâu mới có một đêm văn nghệ vui như ri. Không khoa trương ca sỹ có tên lừng danh trên khắp miền đất nước hình chữ S, không tô vẽ màu mè đèn xanh đèn đỏ, không áp phích pano, không sân khấu hoành tráng, không nhạc sỹ, nhạc công danh nổi như cồn hay MC đắt sô nhất . Tất cả chỉ là những cụ ông, cụ bà trên dưới sáu mươi ngồi lại cùng nhau ôn kỷ niệm xưa ngày còn hai buổi cắp sách đến trường . Cái thời hoa cỏ, thơ mộng lùi xa tít tắp, xa đến tận cùng miền ký ức, xa nhưng không bao giờ quên. Nó nằm yên chỉ cần một chút khơi gợi là bùng lên, cái ngọn lửa âm ỉ mới đáng sợ làm sao, dưới lớp tro tưởng nguội ngơ nguội ngắt bỗng trong một đêm
cuối tháng sáu trăng mờ, một chút gió mùa hè không xua tan được cái nóng như thiêu như đốt, mồ hôi nhễ nhại ướt đầm lưng áo vậy đó mà thổi hồn vào những trái tim BỒ ĐỀ biết bao cảm xúc thăng hoa . Mở màn bài "Hành khúc Bồ Đề" của lớp lớn đầu tiên niên khóa 64-70. Các chị trang trọng trong áo dài truyền thống, giọng ca U 70 vẫn còn mạnh mẽ lắm. Tiếp nối là bài : "Ngày xưa Hoàng Thị"...“ Em tan trường về anh theo Ngọ về gót giày lặng lẽ đường quê” Ngày xưa đâu có điện thoại cầm tay, đâu có internet nối mạng để email, tình cảm trong sáng dễ thương của cậu học trò theo cô học trò những chiều tan lớp ngọt ngào theo giọng ca của chị Bảy ru ta vào hai chữ NGÀY XƯA…

Đã trên dốc cuộc đời, ngoài sáu mươi lớp đàn chị Bê Hoa đẹp rạng ngời trong tà áo trắng thả hồn với “Tiếng hát học trò” thiết tha trầm bỗng : “Tà áo năm xưa còn mãi trong tôi, còn thiết tha như giọng hát buông lơi. Rồi thời gian trôi xuân qua hè tới. Mùa thu mây bay khắp trời, gieo niềm thương nhớ đầy vơi.”. Đúng là chị đã “ Gieo niềm thương nhớ đầy vơi”.

Không kém giọng nữ thánh thót của chị Bê Hoa cựu nam sinh Hữu Viết với : "Trường cũ tình xưa", lời nhạc như nói hộ lòng người : “Hôm nay trở lại nhiều khuôn mặt mới, thầy đó trường đây bạn hữu đâu rồi? Bao nhiêu kỷ niệm hoa bướm ngày thơ vang trong nỗi niềm nhung nhớ. Có ai đi thương về trường xưa.” Một ngôi trường chừ đã không còn tên, chỉ còn lại hàng cây kiền kiền trên đường Quang Trung thơ mộng một thời. Con đường có thời được ví von : Con đường thầm thì . Những lớp học của dãy nhà bên đường Quang Trung với khung cửa sổ nhìn ra đường cho bao tâm hồn mơ mộng những chiều lá đổ, Việt không quên, không thể nào quên thời hoa niên hai năm cuối
11, 12 A1 . Là người ít có kỷ niệm với ngôi trường này nhất vậy mà Việt đã bồi hồi rung động khi đứng trên sân khấu hòa giọng mình vào tốp ca “ Học sinh Bồ Đề” do nhạc sỹ tài tử Văn Khoa viết nhạc, lời và cọng tác cùng ca sỹ hot girt Lựu Nguyễn. Tập dượt có mấy ngày lời chưa thuộc lắm mà sao tim cứ rung lên theo lời bài hát “ Gắn bó với nhau : Học sinh Bồ Đề, Thương yêu lẫn nhau : Học sinh Bồ Đề.” Bởi nếu không gắn bó, yêu thương làm sao có được tiết mục này, khi tập duyệt lúc đầu có 6 bạn, sau tăng lên 8, ấy thế mà khi lên sân khấu lại có những 12 người! Lời nhạc tươi vui, âm điệu rộn ràng nhạc sỹ Văn Khoa đã thổi vào tâm hồn các bạn sự hưng phấn, hân hoan làm xao động cả những bạn chưa từng tập dượt kéo nhau lên sân khấu chỉ để hát theo nhưng vui quá là vui . Tinh thần Bồ Đề của chúng tôi là vậy. Đội hình đẹp, nữ áo dài trắng, nam sơ mi trắng, quần xanh thắt cà vạt. Đáng yêu làm sao!

“ Thương quá Việt Nam” sáng tác của Thầy Phạm Thế Mỹ đã vĩnh biệt chúng tôi về chốn vĩnh hằng, chắc nơi xa ấy Thầy sẽ nghe học trò năm xưa của thầy ca vang lên rộn ràng với dàn đồng ca đông đúc phải chen nhau trên sân khấu nhỏ hẹp. Tay trong tay chúng tôi say sưa “ Sáng lên trăng, sáng lên trăng, Sáng cho người tìm về bên nhau. Sáng cho tình người nợ đêm sâu” Dù trăng cuối tháng có lên muộn, có mờ ảo chăng nữa thì vẫn là ánh sáng của tình bạn bè bền chặt  "Sáng cho người tìm về bên nhau”.

Đêm nay chúng tôi đã hội ngộ hơn trăm mái đầu trắng muối sương, nụ cười không tắt trên môi dù có người răng không còn dùng răng giả hoặc cái còn cái mất, người HO( hô) người MO(móm) vẫn hồn nhiên cười nói xôn xao. Ngoài học trò cũ chúng tôi còn mời cả nửa kia của nhau đến chung vui, gồm dâu, rể, bạn hữu gần xa . Cặp song ca tình tứ của vợ chồng anh Hoành Trung bài Thương nhau Lý tơ hồng. Đã lên chức ông bà nội ngoại từ lâu vậy đó mà trên sân khấu tối nay họ còn  “ Quan họ người ơi tương tư mà chim sáo, xe chỉ luồn kim thiếp thương chàng từ lâu. Áo bay.., ai đã qua cầu. Đôi mình …duyên tình đậm sâu” Ôi! Thật là đậm sâu.

Chị Kim Hường bùi ngùi với : "Anh chờ em trở lại" . Có gì đó nỗi niềm trong giọng ca ray rức : “Anh chờ em trở lại chốn đây, đường xưa còn đó sánh đôi vai gầy. Anh chờ em tìm về lối cũ có anh còn đây bên sông này. Đợi chờ ai đến trong vòng tay”.

Trưởng thôn, già làng người cầm chịch buổi văn nghệ hôm nay vô cùng bận rộn chạy lên chạy xuống, anh có mặt mọi nơi nhắc nhở người này, nói nhỏ người kia. Lưng áo anh ướt mồ hôi . Vừa là người đầu tiên mở màn đêm văn nghệ với bài phát biểu ngắn gọn, tình cảm, vừa là người kết
thúc chương trình với lời cảm tạ bế mạc anh vẫn hăng say tập dượt để tối nay trình diễn cho mọi người nhạc phẩm của Phú Quang : “Về lại phố xưa”.Không khớp nhạc từ đầu do lạc tone anh vẫn tự nhiên hát lại . Anh diễn đạt sâu lắng “Lại đi trong đêm bình yên, bình yên. Cơn gió lang thang về chốn quê nhà. Lại nghe con sông từng đêm từng đêm.  Về đi bên nhau cùng bao buồn vui.Dù mãi cách xa người ơi. Tình yêu này vẫn còn mãi trong tôi”. Do đêm nay có người bạn đời luôn sát cánh bên anh nên năng lượng anh dồi dào khỏe khoắn đến thế. Có điều gì anh muốn nhắn gửi qua lời nhạc “Dù mãi cách xa người ơi. Tình yêu này vẫn còn mãi trong tôi” vậy anh Ngô Lai thân mến?

Chị Huỳnh Thị Tiếp lớp đàn chị gợi nhớ với bài “ Tình học sinh” biết bao thương nhớ “ Tình học sinh ghi bằng nét đan thanh. Tình học sinh như dòng nước bao la. Tình học sinh như ngàn đóa hoa…” Đêm nay hơn trăm đóa hoa đang nở chị Tiếp ơi!

Nhớ cố nhạc sỹ tài hoa Trịnh Công Sơn chị Lựu đã hát bài “ Nắng thủy tinh” thiết tha trìu mến “Ngàn cây thắp nến lên hai hàng Để nắng đi vào trong mắt em “.

Thời mới yêu nhau các bạn ai cũng ngâm nga “ Không bao giờ không bao giờ chúng mình lại cách xa” . Anh Nguyễn văn Anh Dũng, dáng vóc thể thao cao to, tóc điểm sương, tay cầm tờ giấy ghi lời nhạc do chưa thuộc thể hiện với giọng nam trầm bài “ Không bao giờ ngăn cách” . Làm sao có thể xa nhau được khi đi mô anh chị cũng luôn có nhau. “Chúng mình cách xa mà vẫn gần nhau. Tình yêu không phai như màu áo. Dẫu cho thời gian đem tâm tư vào nhớ. Vẫn không bao giờ, không bao giờ ngăn cách đâu em”.

Không khí bỗng sôi động hẳn lên với “60 năm cuộc đời” do anh Hiệp thể hiện . “ Em ơi có bao nhiêu 60 năm cuộc đời. Hai mươi năm đầu sung sướng không bao lâu, hai mươi năm sau sầu thương cao vời vợi, hai mươi năm cuối là bao” Không biết có phải do điệu nhạc dồn dập, nhanh, nhộn mà các bạn kéo nhau ra sàn nhảy tưng bừng, tạo một sân chơi trẻ trung tươi vui.

Còn người muôn năm cũ hoài niệm những tình khúc vượt thời gian, nhạc của những tâm hồn lãng mạn sâu lắng, ca từ trầm buồn, sang trọng . Hai anh Xuân Mỹ và Diên Sinh hát với tất cả nỗi lòng hai ca khúc : "Lá đổ muôn chiều" của Đoàn Chuẩn-Từ Linh và "Đôi mắt người Sơn Tây" Thơ Quang Dũng nhạc Phạm Đình Chương.

Lớp đàn em khóa cuối cùng 68-75, tuy sinh sau đẻ muộn nhưng tinh thần văn nghệ không kém phần sôi động dù thời gian tập dượt không nhiều, không già dặn kinh nghiệm chiến trường như đàn anh đàn chị vẫn nhiệt tình tham gia góp vui hai tiết mục đơn ca nam, một tiết mục múa tự biên.

Ngọc Khánh tình cảm ngọt ngào với ca khúc “ Ở hai đầu nỗi nhớ"
“Có một không gian nào đo chiều dài nỗi nhớ. Có khoảng mênh mông nào sâu thẳm hơn tình yêu. Ở đâu đây nỗi nhớ anh mơ về bên em. ”. Vì anh mơ về bên em nên có hai em Hương, Lựu lên tặng hoa cho giọng ca trầm ấm ngọt ngào.

“ Tan trường tan trường tà áo tung bay tựa mây trắng Tan trường tan trường chờ em đi ngang về lối này” Chị Bê Hoa phụ họa ôm cặp ngang ngực đi nhún nhảy như nữ sinh 18 ngây thơ. Đôi mắt tròn xoe, áo dài trắng thướt tha, cười tươi trước chàng thư sinh Hoàng Lân vui nhộn ca từ : "Anh ngồi bên này lòng xôn xao mong chờ em thấy . Trao một nụ cười Ngờ đâu em đi lề kia rồi. Và từng ngày như thế, và từng chiều như thế Anh vẫn chờ áo bay”. Một nữ sinh, một nam sinh quên đi tuổi tác ông ngoại bà ngoại để tìm về thời áo trắng ngây thơ. Hai ca sỹ không chuyên đã thành công ngoài mong đợi của ban  duyệt chương trình và là cặp đôi trẻ trung, dễ thương nhất.

Thay đổi không khí là màn múa của Hoa Trần. Duyên dáng trong trang phục cô gái Lào, đạo diễn biên đạo múa : Lựu Nguyễn, thể hiện bài hát : Lựu Nguyễn. Vui tươi, dí dỏm, uyển chuyển, dẻo dai cô gái Lào nhập vào Hoa Trần để tiết mục gây xôn xao hội trường đêm diễn với tràng pháo tay không ngớt. Chẳng ai biết bà chủ bánh mì, cà phê vỉa hè 63.Lê Hồng Phong chỉ tập một buổi trước ngày diễn, váy áo chắp vá, phục trang tự lo vậy mà đọng lại cho người xem những tình cảm khó phai.

Giá như Lựu Nguyễn tự tin bớt run sợ sẽ có tiết mục đơn ca nữ thật hay với bài hát do nhạc sỹ Văn Khoa sáng tác dựa theo lời thơ của Hoa Trần . Thật tiếc vì Lựu đã nhiệt tình tập dượt cả tuần chẳng ngại cái nắng tháng 6 chói chang, phút cuối cô nàng rút lui vô điều kiện .

Thành công đêm văn nghệ không chỉ các ca sỹ, nhạc sỹ không chuyên còn có phần đóng góp không nhỏ của MC. Hai MC chính Thu Bảy , Ngọc Khánh và Thị Lựu cùng Văn Thành. Giới thiệu chương trình hoành tráng như ri mà các bạn tôi chỉ biết trước có một buổi . Đâu phải chuyên nghiệp mà thành thạo, toàn nghiệp dư, bất đắc dĩ vậy mà các bạn đã cố gắng hoàn thành nhiệm vụ được giao xuất sắc .

Để lưu lại hình ảnh đêm văn nghệ kỷ niêm 50 năm ngày thành lập trường không thể thiếu các nhà nhiếp ảnh quay phim : Công Lý, Văn Phong, Trương Thương. Các anh chạy khắp quán cà phê từng góc nhỏ, đứng ngồi, quỳ để lấy cho hết những khoảnh khác đáng ghi nhớ . Đôi khi các anh phải quên mình trong những ảnh đẹp . Làm nghệ thuật mà.

Khép lại chương trình là bài hát : "L’amour c’est pour rien" .

Một đêm chưa đến 3 giờ đồng hồ với 21 tiết mục. Quán cà phê đông vui nhộn nhịp những tà áo dài váy hoa, váy màu sặc sỡ . Chưa khi nào thấy nam sinh lịch sự như đêm nay, cà vạt đàng hoàng giống quý ông thành đạt. Các thầy ngồi lắng nghe các trò ca hát quên đi tuổi tác về chiều. Chúng tôi gặp nhau không còn ai nhìn thấy trong mắt nhau nỗi giận hờn, buồn trách dù trước đó có ít nhiều tranh cãi. Người ta thường nói âm nhạc không biên giới, thật đúng khi lời ca vang lên những đôi chân nhún nhảy, vai kề vai . Tiếng đàn ghi ta ấm quá . Tiếng organe dìu dặt mọi người gần nhau trong tình thân ái. Khoảng cách tuổi tác, không học cùng chung một lớp như xóa tan .

Chỉ có một đêm văn nghệ “cây nhà lá vườn” các cụ ông cụ bà đã để lại trong lòng nhau những tình cảm khó phai mờ. Có thể rồi sẽ có nhiều đêm văn nghệ khác được tổ chức tiếp theo chu đáo hơn, hoàn thiện hơn nhưng V tin sẽ chẳng thể nào để lại những ấn tượng như hôm nay.

Bỗng nhiên mà có một ngày
Một đêm tiếng hát ngất ngây lòng người
Bồ Đề ta đã xa rồi
Dư âm còn lại một trời nhớ thương …

                                                                       26/6/2014
                                                                   PHAN VIỆT




Thứ Tư, 25 tháng 6, 2014

KỶ NIỆM CHỢT VỀ

 

Đó là một ngày nắng đẹp 22 tháng 6-1964. Một ngày cuối cùng trong quãng thời gian ta còn là cậu học trò nhỏ bước vào trường ôm trong mình những ước mơ thành người lớn. Bây giờ ngày 22 tháng 6 – 2014 những người lớn tuổi tụ tập về đây không phải sân trường mà là một quàn cà phê góc phố ôm một ước mơ trở thành cậu học trò nhỏ ngày nào.

50 năm trôi qua, một đời người, kỷ niệm chợt về.

Mới ngày nào đó, buổi nhập trường, xiết bao niềm vui và bỡ ngỡ… thế rồi thời gian trôi qua ta đâu còn nữa những ngày hồn nhiên, con người chợt buồn chợt vui vì cái tuổi mới lớn nữa. Đâu còn rộn lên tiếng cười hoà lẫn chút giận hờn khi những lời đùa dai quá trớn, và một ngày đôi bạn thân thiết cùng bàn bỗng trở nên vô cớ giận nhau vì một hiểu lầm nhỏ nhoi nào đó, lẩy nhau vì ánh mắt của một người quan tâm nhiều hơn đến bạn mình… Mới ngày nào ta ngâm mình trong những vần thơ mượt mà của cô giáo dạy văn, ta mơ làm chú Cuội đợi ánh trăng vàng, muốn làm anh hùng như Từ Hải sống trọn vẹn với chữ tình. Một mơ ước anh hùng ngây ngô của tuổi học trò nhưng cũng đầy thi vị… mọi chuyện thật bình thường và đã êm đềm trôi qua. Những gì đã đến đã đi trong suốt những năm ta sống dưới mái trường Bồ Đề chỉ còn là ký ức. Nhưng những gì đã từng trải qua chắc chắn ta chẳng bao giờ quên được.

Dòng thời gian vẫn trôi, tất cả rồi cũng sẽ đi qua theo dòng thời gian bất tận. Ngày ấy ta vào trường, ta chẳng yêu gì mấy cành phượng vĩ , những cây Bàng lá đỏ . Những cành phượng, những lá bàng ở tầm với cao của cậu học trò nhỏ. Ta là đà với những viên bi, những chân nhảy lò cò hay những trái me chua thậm thụt trao nhau của cô nữ sinh nhỏ xíu trong giờ nghỉ. Nhưng ta lại ấn tượng sâu đậm với ngày ta rời trường, ta bỗng quyến luyến và quay quắt khi sắp rời xa, ta thấy nó nở đầy sắc màu rực rỡ
vẫy chào, tạm biệt ta. Lúc đó ta cũng có cảm xúc, một cảm xúc sâu lăng khiến ta nhớ mãi về nó. Có lẽ những cánh phượng, những lá bàng cũng có cảm xúc. Nó biết ta sắp rời xa nó, nó cố chen mình trong tán lá bứt ra nở rộ rồi từng cánh bay về dưới chân ta. Có thể mùa hè nào nó cũng phải nhìn một lứa học trò ra trường, nên nó không còn tươi xanh như trước nữa, nhưng ta đã ngậm ngùi quay đầu dấu đôi mắt ngấn lệ, lần đầu tiên sau mấy năm ta cảm thấy như đánh mất một điều gì vô cùng quí báu… 

Ngày chia tay mọi người xúm nhau vào chụp ảnh lưu niệm, trao nhau những dòng lưu bút. Có lẽ ngày đó chỉ để mọi người bộc lộ tình cảm với nhau, tình thầy trò thắm thiết, tình bạn chân thành và ngay cả tình yêu thầm kín trong trái tim mọi người dành cho nhau dù có thể chưa từng nói nên lời. Những dòng lưu bút trao tay làm sao nói hết những điều như vậy.


Sân trường buồn vắng tiếng ve kêu, những bóng cây đứng im lìm trong nắng chiều, một làn gió nhẹ thổi qua làm cho những lá bàng rơi rụng trải lối…tiển đưa. Một hạt bụi bay vướng vào mắt làm ánh mắt nhòa đi hình như hoa đang khóc đấy, lần đầu tiên và cũng là lần cuối cùng những cánh hoa phượng hồng tìm theo gió bay đi khắp sân trường Ta quay đầu và cố ngoảnh mặt đi tránh những ký ức đang dồn dập tìm về.

Bồ Đề ngày ấy và bây giờ vẫn còn nặng những nổi niềm, ta đang cố níu kéo khoảng cách giữa thời gian 50 năm ấy lại thật gần bằng lời ca tiếng hát , tiếng hát của những người đã hằn nhiều dấu chân chim vẫn bay bỗng và xúc cảm làm say đắm lòng người, nó làm lay động những kỷ niệm sâu kín một thời. Tôi bất chợt bâng khuâng nhìn mình nhìn lại bạn mình hình như tuổi học trò thơ mộng còn lãng đãng đâu đây.

22/6/2014
LAI NGO

VỚI CÁC BẠN TRONG BTC ĐÊM HÁT MỪNG TRƯỜNG TA 50 NĂM



           Trong đêm văn nghệ nầy thành công đều thuộc về các bạn - Nói chung MC chính phụ đều trên cả tuyệt vời, làm một kịch bản trong vòng vài tiêng và đưa ra cho MC với thời gian quá ngắn không có thời gian đọc kỷ thế mà các bạn đã vận hành bài bản, vận dụng uyển chuyển cũng rất chuyên nghiệp. Một đóng góp lớn cho sự thành công của đêm văn nghệ.
  Bộ phần hậu cần do B Hoa và Ngọc Lan cùng một số chị em trong tổ rất xuất sắc, chỉ có tiếng khen chưa nghe chê 



Tổ trang trí , kiểm soát nhanh nhạy, gọn gàng rất hài hòa , ít thiếu sót đó điểm đáng phát huy. Bạn Công Lý, Văn Phong Hồ và Trương Văn Thương trong Ban thông tin liên lạc đầy trách

nhiệm làm hết mình để ghi lại những hình ảnh đẹp nhất, thật nhất đến với mọi người. - Thật tuyệt vời như vậy đã đủ không cần nói gì hơn các bạn hỉ. 
Còn Anh Tất Long với hình ảnh ông tiên tóc bạc phơ ôm thùng thiện nguyện đi từng bàn để mời các bạn ủng hộ, một tấm lòng ít người có được, mong anh là một con chim đầu đàn cho việc thiện nguyện của Chs Bồ Đề chúng ta.

Bravo các bạn! và xin cám ơn tất cả.
Không thể nào hoàn chỉnh tuyệt đối cho một tổ chức sự kiện nhất là chúng ta đều là những người nghiệp dư, chúng ta làm với tất cả tấm lòng, làm cho mình và cho bạn mình .

Tặng các bạn những đóa hoa hồng đẹp nhất.

NGÔ LAI




Thứ Ba, 24 tháng 6, 2014

GÓP TIẾNG VỖ BẰNG MỘT BÀN TAY


Tiếng vỗ một bàn tay ! Nghe cứ lạ lạ, bạn đã từng nghe tiếng vỗ một bàn tay chưa ? Làm sao một bàn tay có thể phát ra tiếng được ???

-Có đấy ! 





Tiếng nhạc vang lên, một cô bạn đưa bàn tay ra, một bạn nữa chắp lấy, thế là tạo nên âm thanh. Tôi nghe, bạn nghe, chúng ta cùng cảm nhận! Không dừng lại đơn thuần ở âm thanh mà đó còn là một sự kết nối, một sự hân hoan đồng thuận.


Từ lâu lắm tiếng vỗ tay đã đi vào đời sống của con người, khi chào mừng, khi tán thưởng hay thể hiện sự đồng ý phấn khích..v..v.. Với 2 bàn tay, mọi người có thể tạo nên nhiều tràng pháo tay rộn rã mà không tốn thứ gì mang tên vật chất. Pháo tay còn thể hiện nên nét văn hóa của con người. Nó thuộc phần động bên ngoài nhưng cũng có thể diễn tả phần tĩnh bên trong. Phải chăng đó là tiếng vỗ xuất phát từ trái tim, Chả phải cái tiếng động của sự an chuyện, của hành động để người khác không xem là lười.

Ở đây, theo riêng cá nhân, “tiếng vỗ tay từ 1 bàn tay” là phần tĩnh thường còn. Ai cũng có khi tĩnh lặng. Ta tĩnh lặng quán chiếu để thấy xung quanh, thấy tâm ý người khác, thấy được niềm khát khao, sự cống hiến, và rồi, ta đồng điệu, cùng bước trên 1 cung bậc thiêng liêng, đầy cảm thông, kết nối. 



Tạo nên tiếng vỗ từ tim để đi đến hành động một cách nhất quán và vô tư vì cái chung, vì lợi ích số đông. Âm vang của nó dường như còn mãi, không bị chìm tắt theo phong trào.


Hãy lắng nghe, cảm thông và kết nối những âm thanh sâu lắng bên trong từ tâm của một bàn tay trong chúng ta các bạn nhé ! Cảm nhận được vậy ta sẽ thấy cuộc sống đáng yêu hơn.


24/6/2014
NỮ NGUYỄN

Thứ Hai, 23 tháng 6, 2014

ĐÊM VĂN NGHỆ NGÀY THÀNH LẬP TRƯỜNG 22.6.2014 ( Công Lý Trần video)


TA ĐI BẰNG NHỊP ĐIỆU.. (Trịnh...)


TA ĐI BẰNG NHỊP ĐIỆU..
                                  
        Viết Dũng đi Quy Nhơn,dự đám giỗ ngài Võ Tánh, do tộc Võ tổ chức hằng năm tại Bình Định. Đi mà lòng vẫn bịn rịn, gởi lại 100K, gọi là giải khát cho quý vị …ca,nhạc sĩ.

        Dũng đi, có Lê Thanh lớp Pháp từ Sài Gòn về. Có người đi, kẻ về cho những người ở đây nhẩm đếm túc số cho ngày hội liên khóa, mừng một ngày Bồ Đề tròn 50 tuổi. Nhớ cô bạn Diệu Hà ở xa ,hẹn nhau ở Đà Nẵng trong một ngày tháng 6.Gần cuối tháng 6 rồi, Hà ơi!

        World Cup 2014, có kèo trên, kèo dưới; có đội thắng, đội thua, nhưng ngày hội văn nghệ liên khóa 2014, tròn 50 năm ngôi trường của người Bồ đề chắc chắn thắng lợi. Nói theo ngôn ngữ bóng đá, không có cửa để huề hoặc thua. Chỉ một cửa thắng mà thôi. Thắng ai? Thì thắng với mình!



        Thắng trong một nỗi niềm.Trường đâu còn để ghé vào thăm ! Có đưa con đến trường Nguyễn Huệ cũng ngẩn ngẩn, ngơ ngơ. Cảnh đấy người đây luống đoạn trường.. Đoạn trường là đứt ruột. Ôi! Trường xưa giờ ở nơi nao?

        Chúng tôi đến điểm hội ngộ. Là một quán café trên đường Xô viết Nghệ Tĩnh. Trời nhiều mây và có chút nắng la đà trên những con đường Đà Nẵng, một chiều chủ nhật này. Chúng tôi đến trên những nẻo đường. Một lõm của thành phố cũ mà chúng tôi đang sống. Xa hơn nữa, cũng là phố thị .Thành phố lớn dần và chúng tôi thì đã già hơn.


Toàn bộ các khối lớp đã có buổi tổng 
dượt chương trình ngày hôm qua, thứ Bảy. Hội người cao tuổi Đà Nẵng sẽ không hết ngỡ ngàng và nhất định sẽ viết bài cổ vũ cũng như nhân điển hình tiên tiến, khi thấy đông đảo các vị bô lão Bồ Đề xưa cùng đến tham gia tổng dượt. Họ gồm đủ các niên khóa, từ khóa đầu tiên ngày lập trường cho đến khóa út ít 75 của chúng tôi. Chỉ là tập thôi mà sân để xe kín mít người là người. Có những khuôn mặt thật xưa, của lớp trên, mà mình cứ tưởng sẽ không còn có dịp gặp lại nhau. Họ đến,người dượt thì thượng lâu, người rỗi thì ngồi với nhau nói chuyện về ngày chủ nhật 22 tháng 6. Người đầu bạc rủ rỉ với những người đầu lốm đốm bạc.
        Những lớp lang của chương trình được ráp nối hoàn tất. Những vị bô lão thở phào. Đọng lại trong hồn là những tiếng hát  mãi xanh, có thể thi thố trên TV đài Đà Nẵng, chủ yếu là của những người Bồ Đề trên 60 tuổi. Tuổi ,mà có trong các bậc tiền bối này, lên chức Cố. Lão niên Ngô Lai ôm chiếc guitar, bập bùng những âm giai, trông rất là nghệ sĩ. Nhạc sỹ Anh Khoa trong chiếc áo hoa cùng cây đàn, lắc lư mái tóc dài theo nhịp điệu rất..digan lão. Ừ thì chúng ta đang “đi bằng nhịp điệu. Một hai ba bốn năm…”,nhưng kh i”sông cạn đá mòn”,ta đã gặp nhau.

        Hôm nay, các bậc lão niên, các bằng hữu;t ất cả đi bằng nhịp điệu :sáu, bảy, tám, chín, mười đến đây. Đông và rất đông .Có lẽ  vượt qua con số 150 người, như ngày hôm qua chị Bê Hoa chốt lại. Chưa bao giờ người Bồ Đề lại tụ với nhau nhiều như hôm nay.Trên 150 người. Có một nhóm Bồ Đề lớp dưới, tức ra trường sau năm 75, như Kim Liên, Hoa, Mạnh, Tú, Thu, Hà...cùng về dự. Thực sự là một ngày hội. Chương trình văn nghệ thật đông, vui như trong tâm tưởng mong chờ của những người tổ chức.


        Thầy Đặng Tuyên,thầy Võ Khắc Giai, thầy Huy cũng lần lượt tới, cùng với nụ cười trong tiếng reo mừng của đám học trò cũ. Ngày xưa Thầy, Cô tổ chức lể, hội ở trường, học sinh khép nép vui cười. 50 năm sau, học trò tổ chức lễ kỷ niệm, cả thầy lẫn trò bùi ngùi nhìn nhau. Có những nhịp điệu không giống nhau trong dòng đời bất tuyệt, tụ lại ở đêm hội này.. Nhưng có một điều mà chúng ta biết: Sông đã cạn và đá cũng đã mòn.

        Quán café - không còn chỗ trống. Người Bồ Đề nghe và cùng rủ nhau đến. Số người tham dự đã tăng vượt. Có người dẫn thêm bạn đời tham gia. Có người thêm bạn ngoài trường đến. Một con số ấn tượng  trong lòng mọi người, vì từ trước đến nay, những liên lớp họp riêng chứ không là liên khóa cùng chung tay như lần này.Khéo là đêm nay, đêm chủ nhật.

       
Bục được trang hoàng thành sân khấu. Một sân khấu giản đơn, chỉ là tâm phông Bồ Đề, như lòng của người Bồ Đề giản đơn, hướng về một đêm văn nghệ 50 năm ngày thành lập trường xưa, như mọi người đã từng mong đợi.

       MC của chương trình gồm Tấn Thành, Thu Bảy, Ngọc Khánh -khóa 75 - và chị Lựu khóa 74. Sau ca khúc mở màn đầy ấn tượng “Bồ Đề hành khúc” của thầy Phạm thế Mỹ, anh Ngô Lai đã thay mặt cho liên khóa Bồ Đề chúc mừng quan khách cùng thân hữu đến dự trong đêm nay và nói về  trường cũ, để có một đêm văn nghệ tưởng nhớ. Chỉ là những lời ngắn gọn, nhưng chúng tôi hình dung lại một sân trường Bồ Đề với hơn ngàn học sinh đang đứng chào cờ vào một ngày thứ hai dầu tuần, cách đây trên 40 năm. Phù hiệu có bánh xe luân hồi hình như cũng đang quay, trong một niềm nhớ bềnh bồng. Thầy Đặng Tuyên cũng đã có lời đáp từ . Anh Tất Long thay mặt học trò xưa,kính tặng Thầy những bó hoa nghĩa tình

       
Trong tiếng nói,tiếng cười; chúng tôi hỏi tôi đang nhớ ai? Nhớ bác cai trường đã bắc qua năm tháng bằng những trái cóc, ổi, ly đá me, xiro nhiều màu sắc. Nhớ những chú điệu, chú tiểu với chỏm tóc phiền não vắt ngang trán trên sân trường. Nhớ thầy Hòe Giám thị với cây roi làm cảnh. Nhớ Thầy Viên Minh nhai trầu, đang già cỗi trong ngôi chùa bên vách núi Hải Vân. Là những hồn muôn năm cũ trong quá khứ. Bác cai trường , Thầy Hòe đã không còn nữa và những chú tiểu có thể đã hoàn tục hoặc có thể thành một một vị chân tu đức trọng, khi cầu thời gian đã băng qua một cõi không gian. Còn nhiều người nữa trong Bồ Đề xưa, hôm nay đã không có mặt..Những nhịp điệu âm thanh đã lạc..

       
May mắn là chúng ta vẫn còn Thầy Minh Tuấn, nguyên hiệu trưởng của trường xưa ở thiền viện Bồ Đề. Một biểu tượng còn sót lại qua 40 năm dâu bể. Sức khỏe thầy yếu nhiều nhưng chúng tôi nghĩ, còn Thầy là còn chút Bồ Đề trong tim mỗi người.
          Trên bục sân khấu tiếng hát, tiếng đàn vẫn vang vọng. Tiếng hát của người ngoài Bồ Đề như Kim Hường, phu nhân anh Hoành Trung , phu nhân anh Hoàng, bạn anh Khoa..Tiếng hát tốp ca Bồ Đề rồi đơn ca như Lựu, Anh Lai, Tấn Thành, Anh Dũng,Thúy Hương, Khánh, Lân và nhiều bạn cùng một thuở dới mái trường. Trên hai mươi tiết mục, có lẽ không đủ cho ngần ấy người tham dự và nhiều người muốn tham gia. Một sự phấn khích dịu dàng với tiếng hò reo..theo tiếng nhạc và tiếng đàn của anh Khoa, lão digan. Ở bên dưới là những ánh mắt tìm nhau. “Yêu thương lẫn nhau, học sinh Bồ Đề !. Gắn bó với nhau, học sinh Bồ Đề !”. Có lẽ sự đời không hoàn toàn như lời bài hát, nhưng khi cái ngã đi về với chữ không, thì những người học trò cũ Bồ Đề đã làm được một điều cần phải làm. Làm sống lại một thời đã qua , làm mới một trang sử bè bạn khi người ta đã và đang già.

         Hoa học trò rồi Mong đợi ngậm ngùi ..và chấm dứt bằng L’amour c’est pour rien đã đi vào lòng người,dù bằng những giọng hát không chuyên .

         Đêm xuống thật đầy, Đà Nẵng đi về cuối hạ tuần tháng sáu. Trong mỗi cái tôi của chúng ta, có cảm tưởng là chung một nhịp điệu,trong một khoảnh khắc nhỏ của cuộc đời. Nhịp điệu khẽ rung trong từng mỗi tâm thế…

NGƯỜI BỒ ĐỀ

                     Một số hình ảnh đêm sinh hoạt văn nghệ CHS Bồ Đề Đà Nẵng