Thứ Năm, 28 tháng 8, 2014

Mùa Thu Ấy


nghiệt ngã kiếp người

Tôi muốn em cùng trải lòng từ thiện
Với những đứa trẻ buồn,oan nghiệt bị bỏ rơi
Tôi muốn cùng em trải tấm lòng tha thiết
Ấp ủ những kiếp người lão bệnh đơn côi
Và tôi thấy em ôm đứa bé tật nguyền bật khóc
Cảm xúc đáy lòng qua ánh mắt làn môi
Người cựu học sinh già luôn luôn nhớ mãi
Phát Bồ Đề tâm bao nghiệt ngã dòng đời


Sáng nay các bé mồ côi ôm chân em bám chặt

Nó long lanh nhìn mong được những nụ cười
Sáng nay tôi thấy một cụ già vân vê bàn tay em
mà lòng quặn thắt.
Cụ kể những đêm dài thảng thốt…các con ơi!


Họ mong cảnh sống bình thường như em và tôi

Nhưng cái họ cầu sao mà khó thế!
Một mái gia đình trong vòng tay mẹ
Một bữa cơm chiều sum họp chở che
Sao mà đau xót thế hỡi ơi!!

                            Hoàng Trọng Toản
                                  NK 64-68
 (Để nhớ chuyến đi từ thiện cô nhi viện Chùa Quang Châu CHS  Bồ Đề ĐN)


Thứ Tư, 27 tháng 8, 2014

TÌM ...


Cuộc đời mỗi người từ nhỏ đến lớn, từ trẻ thơ, niên thiếu mãi đến lúc già đều gắn với chữ TÌM.
 Khi người mẹ mang thai, bào thai chờ đến ngày khai hoa nở nhụy TÌM đường ra với thế giới bên ngoài. Vừa chào đời đã TÌM ngay vú mẹ để bú. Vài năm tháng tuổi TÌM đồ chơi. Đi học TÌM bạn kết thân, TÌM thầy giỏi để học. Học xong trung học TÌM trường để nộp đơn thi đại học. Học xong TÌM việc làm .Đến tuổi biết yêu TÌM



 người yêu, TÌM bạn đời để kết hôn . Có gia đình rồi TÌM đất xây nhà, TÌM nhà ở. Con cái trưởng thành TÌM người nối dõi tông đường …Tưởng thế là ổn thôi từ nay yên tâm sống hưởng lạc vậy mà vẫn chưa hết TÌM . Về già lẩn thẩn để đâu quên đó, cái mũ trên đầu loay hoay lục lọi TÌM, chìa khóa cầm tay xốc tung đồ đạc TÌM, kính đeo trên mắt miệng lẩm bẩm: mới để đây mà TÌM. Đi đến đâu để quên đến đó về nhà TÌM hết cả ngày. Cứ thế ngày nào cũng TÌM . Điện thoại đợi chuông reo mới biết nó ở đâu TÌM. Có mấy đồng lương hưu đi chợ về bỏ túi áo  TÌM trong túi quần. Tờ báo vừa đọc sáng nay trưa TÌM hoài không thấy. Thiệp mời cưới thứ bảy mãi chủ nhật áo quần thật đẹp đến nhà hàng TÌM chẳng thấy đâu ?

Đến tuổi gần đất xa trời TÌM nghĩa trang để lo phần mộ.
Biết đâu đến lúc nhắm mắt xuôi tay về bên kia thế giới lại vẫn điệp khúc quen thuộc TÌM. Ha ha ha…    
Ôi thôi cái sự TÌM mệt mỏi quá.

Buổi sáng rảnh rỗi sinh nông nổi cái TÌM các bạn thư giãn nhé.
                                            25/8/2014
                                                   HV

Thứ Ba, 26 tháng 8, 2014

Tuổi học trò ở cổ viện Chàm

Hoàng Thị tuổi học trò ngày ấy...
CHS BĐ1967-1974





                                                   


                                               

NỀ MI !

Mi có dề quê tau Đất Quảng Nôm 
Để nghe dâu hát giữa đôi bờ sông thương nhớ 
Đã bô năm bên lở bên bồi.
Quê của tau nắng nhiều , mưa không ít.
Cứ mổi năm lũ dề, rồi đi .
Mẹ laị ra đồng rửa sạch từng bông lúa.


Dề quê tau mi phải hiểu ngọn ngành
riêng dọng núa không nơi mô nhầm lẫn
Dân quê tau bô đời cần mẫn
sáng thì khề khà bát chè lóa, với điếu thuốc rê.
Mi có lạt miệng thì en dùm chén xoa xoa
còn không thì en tô mỳ quảng, đậm đà cay xé lưởi
Hồi nảy chừ tau núa mà mi ngẩn ngơ không hiễu
Tau đành gởi cho Mi một chút chờ mong
Thôi rứa hỉ, quê choa tau là đó.


                                 Nguyễn Hồng Sơn



Chuyện cổ tích đong đưa.

        Lần gặp đầu tiên, chị cười với bé con. Bé con ngượng nghịu nắm chặt tay mẹ nhưng chợt lại buông và khoanh tay: “Trình bà, con đi học”. Ôi cái chữ “trình” lạ lẩm làm cho chị chợt bối rối trong ý nghĩ và quên vẫy tay chào hai mẹ con. Lần sau và lần sau nữa thì đã quen. Quen, nhưng vẫn luôn ấn tượng với chữ “trình” của con bé.
        Con bé với mái tóc bom bê, cứ sáng trình và chiều về lại trình, khi gặp: trình bà, con đi học về. Chị tơ tưởng mãi với cái chữ mà từ lâu, chưa nghe nói lại trong đời sống thường ngày. Ngừơi ta thường bắt đầu với chữ thưa.
        Chị cũng không tìm hiểu, con bé cùng mẹ đi từ đâu qua đây. Chắc chắn là hai mẹ con băng qua con ngõ nhỏ, từ đường Paster qua Lê Duẩn, để cho ngắn một quãng đường, và vì bóng râm những mái nhà san sát nhau. Là hai mẹ con kẻ lạ.
        Thuở còn ở lớp đồng ấu, trường làng. Cô giáo của chị thuở đó, luôn nhịp nhịp cây thước dài lên bàn, không dạy chữ nhiều nhưng luôn nhắc đến chuyện tiên học lễ. Ở nhà thì đi thưa, về trình. Ở trường phải lễ phép với thầy cô. Ra đường phải biết chuyện lễ phép dạ, thưa, chào kính cụ già, giúp đỡ người cơ nhỡ.
        Chị tưởng tượng rồi hình dung và dựng lên một gia đình tứ đại đồng đường trong khuôn viên rông rãi, còn sót lại ở Đà Nẵng này. Một ông cố Hai chửng hơn 80 tuổi, một cặp vợ chồng ông nội Ba trạc tuổi 60. Gia đình con bé với ngừơi cha chừng 30. Ông cố Hai,
xưa là một thầy giáo làng, thời buổi loạn ly bỏ núi rừng Trà My xuống phố. Hành trang đem theo là đứa con trai, là ông nội Ba, cùng cuốn Quốc văn giáo khoa thư và Luân lý giáo khoa thư cũ mèm trong tay nải. Phố cũng có tiếng súng nổ đì đùng nhưng đỡ hơn trên núi. Phố cũng có kẻ ngoại bang trên bến sông Hàn hay trong những Bar rượu hay lúc ruồng bố trong những xóm làng có bụi tre, con rạch nhỏ. Tiếng Pháp trình độ primaire đủ để ông cố Hai xin vào chân thư ký của một hãng buôn ở Đà nẵng.
        Không còn làm thầy, ông cố Hai dạy con theo tinh thần Quốc văn giáo khoa thư và Luân lý giáo khoa thư: Cờ bạc là bác thằng bần - Nhất nghệ tinh, nhất thân vinh - Học trò phải biết ơn thầy - Đi một ngày đàng học một sàng khôn - Chỗ quê hương đẹp hơn cả…
        Cuộc đời cứ mãi như thế. Sau cuộc chiến, đứa con, là ông nội Ba, mang theo cái tâm luân lý giáo khoa thư đi làm ăn. Rồi trời thương , tạo nên sự nghiệp, mua nhà, tậu vừơn trong quê cho ông cố Hai ,lâu lâu về thăm cố hương, đất tổ. Bụi tre lại vươn lên cao và mùi quế Trà My thoang thoảng trong gió.
        Ông cố Hai một thân một mình, ở vậy nuôi con. Con thành người lấy vợ sinh ra, cũng thằng Hai độc đinh, như trong dòng họ.

              Thằng Hai cũng như ông Ba, cha nó, thấm nhuần những nội dung Quốc văn cùng Luân lý giáo khoa thư trong ý nghĩ và
trong cuộc sống. Nếp nhà dần hình thành trong bối cảnh cuộc sống thanh bình. Những lực cộng hưởng gian xảo và những xung lực điêu ngoa trong giao dịch hàng ngày vẫn không làm cho hai cha con quên được hình ảnh ông cố Hai ngồi trước hiên nhà, giở từng trang sách ố vàng, quăn góc. Ông cố Hai không còn sức để nói và đọc nhưng cái hồn của trang sách in dấu trên cái nhíu mày cam chịu và cái nhìn xa vắng của ông và hai cha con ông Ba cảm thấy, mình đang có chút lỗi lầm.
        Con bé là chắt của ông cố Hai già cỗi. Hai ông cháu ở nhà nói chuyện bi bô. Ông cố Hai dạy chắt chữ “trình”, là cái chữ quen thuộc ở quê mình, thay cho chữ “thưa” ở nơi phố thị.
       Chị lẩn thẩn nghĩ ngợi và cố dựng lên một câu chuyện đời, có thể không còn ở phố Đà Nẵng năm 2014. Có hề chi! Chị chỉ tửơng tượng cho riêng chị, một câu chuyện cổ tích trong đời thường đã nhiều thay đổi. Thay đổi tự bên trong bản chất đạo đức và thay đổi trên nền áo xống, cái cười, cách nói bên ngoài. Có thể buổi tối, vợ ông nội Ba bên trên, đến vũ trường nhảy một điệu và nâng ly rựơu nhẹ lên môi. Có thể ông Ba hay đứa cháu nội Hai, thi tranh giải karaoke với các chiến hữu làm ăn. Có hề gì! Thời thế đã đổi thay! Sống như thế này mới đáng sống. Phải biết hưởng thụ !
        Con bé con, mái tóc bom bê đã nghỉ hè. Chắc thế, vì mỗi chiều qua đều vắng bóng hai mẹ con. Chị lại thấy một chút gì trống vắng bởi không có tiếng trình, thưa trong trẻo. Mỗi chiều, khi không có
chuyện gì làm, chị lại đơm đặt thêm cho câu chuyện cổ tích của mình thêm phần kỳ bí. Bộ sách Quốc văn cùng Luân lý giáo khoa thư sẽ để ở đâu, khi ông cố Hai chết? Đặt trong quan taì hay để trên bàn thờ, cho tam đại đồng đường còn lại, mỗi ngày nhìn vào đó để sống sao cho tử tế với đời?
        Nhưng có nhân vật cố Hai trong đời thường của một thành phố nhộn nhịp pha một phần khốc liệt nhởn nhơ trong buổi thăng hoa của nếp sống trọng vật chất, ở nơi này? Chị sẽ rất buồn. Buồn đến nẫu người khi một hôm nào đó, chị cố ý lẽo đẽo theo sau hai mẹ con rồi đối diện với thực tại gia đình của hai mẹ con con bé . Một căn phòng trọ trong một kiệt nhỏ tối tăm ở đường Hùng Vương hay Ngô gia Tự, có tiếng lè nhè của một người đàn ông ở độ tuổi trung niên đang hồi bỉ bã và tiếng chưởi chồng the thé ,có thể cứa nát trái tim mình. Bởi chuyện cổ tích của chị cứ phải đong đưa. Đong đưa theo ngày tháng. Theo cái bước chân của con bé con và cái nhìn của người mẹ trẻ. Một khoảng không trước mắt, có một tương lai tươi sáng cho đứa con mình.
        Thôi thì thôi! Chị bảo chị cứ mãi phiêu du và đong đưa với câu chuyện cổ tích của mình đi. Và hãy cho nụ cười, với đường cong trên môi, sẽ biến mọi thứ thành đường thẳng. Nhìn vào thực tại mà chi, khi hồn người đã không còn nơi trú ẩn.



                                                                             Hoa Trần

Phượng tàn

                               
                                


Hoa khoe sắc như màu phượng vĩ
Đến thu sang phượng chẳng biết gì
Rồi đông tàm phượng chẳng biết chi
Hay xuân đến phượng cũng biệt ly

                   Ngô Văn Toàn


                    


Chủ Nhật, 24 tháng 8, 2014

Cafe sáng chủ nhật

Sáng chủ nhật nắng vàng ong chiếu những tia nắng đầu tiên trên cây xuống quán cà phê nhái của H các bạn đã tề tựu ăn sáng bí mành và thưởng thức cà phê dưới bóng dù che màu xanh thương nhớ của anh Ngô Lai và anh Trần Hữu Hoàng gửi tặng.

Xuân Lộc hôm nay xinh đẹp trong đầm đen bí ẩn chiêu đãi các anh chị xôi đậu, bánh tiêu, bánh ngọt thiệt là ngon . Từ món xôi của Lộc mà biết bao đề tài về xôi làm cười nghiêng ngã . Ngọc Lân vo viên xôi thành thạo, Ngọc Khánh thì mạnh tay bóp nát cả đậu , Thức, Tấn Thành, Đức Thành chỉ thích thổi kèn của Hoa lò xo vì ngày nào cũng ăn xôi nhà ngán quá, Mộng Liên ăn xôi của Ngọc Hường quá ớn nên lắc đầu từ chối . Đỗ Thọ trung thành với kiểu thổi kèn acmonica của Hoa . 
Xôi Của XL
Miệng Thọ cười ngời hạnh phúc vì được H luôn mồm giới thiệu với mọi người : “ Ai đây ? “ mỗi khi có bạn mới đến . Lý do quá lâu Đỗ Thọ mãi mê việc kinh doanh lơ là tình thân bè bạn, hôm nay xuất hiện vì H gọi. Mấy anh chị lớp trên cười đau cả bụng vì các em lớp dưới quá tinh nghịch, vợ chồng anh Dũng, vợ chồng anh Viết vì đi có đôi có cặp nên chỉ biết lặng im không tham gia, anh Phong cũng bị lép vế, anh Hùng quá hiền, có lẽ nên đặt cho anh cái tên : Đại đức Thích Lặng yên . Anh Khoa nhạc sỹ đến chỉ vừa cười với các bạn rồi chào đi công chuyện, vừa đi vừa ăn bánh mì trông như cậu thư sinh của 40 năm về trước. Hot boy Phú cả năm ở Sài Thành hôm nay mới xuất hiện . Các chị đẹp rạng ngời vì được buổi sáng thư giãn , chị Bê Hoa ca sỹ lừng danh với giọng ca chim hót sáng ni ôm hộp gạo lứt muối mè để giữ gìn sức khỏe, mỗi lần muốn cười chị phải đợi sau 100 lần nhai cho xong thìa cơm, Ôi thương chị quá, Chị Trinh vẫn như mọi khi phong thái đĩnh đạc ngồi bên em Xuân Lộc mà nghịch ngầm. Thiệt là bái phục chị Trinh ( chuyện ni chỉ xóm nhà lá biết thôi bí mật). Chị Mai Chi nhiệt tình hơn tất cả luôn phụ họa nếu có người xướng có lẽ vì thế mà chị mình hạc sương mai chăng? Thu Bảy Phan dịu dàng trong màu tím hoa sim nhưng lại bạo mồm bạo miệng để các anh ứng đối không kịp. Mà làm sao ứng cho kịp cô giáo dạy văn kia chứ? Thạch giữ đúng vị trí bà ngoại cười hiền lành nghe các bạn ba hoa chích chòe, lâu lâu nói vài câu chí lý …rất chi bà ngoại. Kim Anh biệt hiệu bao xi măng ( do Thương đặt) đến muộn cùng góp vui bằng nụ cười hở mười cái răng. Kim Quy rùa vàng hôm nay đến trễ vì bận trồng cây làm đẹp thành phố để QRT quay phim ghi hình lên ti vi, oai ra phết . Rùa vàng chậm nhưng chắc nụi, có ai ngờ rùa thắng thỏ phải không các bạn? Lựu điệu đà tóc luôn thả gió bay vàng hoe trong nắng, người mê ca hát nhất bọn hôm nay bê hai trái bưởi vườn nhà tặng các bạn. Lại được một trận cười về 2 trái bưởi của Lựu. Hai trái không bằng nhau . Ôi làm sao mà bằng sau 60 năm cuộc đời dâu bể? Dù sao khi ăn các bạn cũng khen quá chừng : bười ngọt, nhiều nước , ăn ngon vì không sợ thuốc trừ sâu .
9g30 nhổ neo tiến thẳng nhà bạn Trương Văn Thương thăm bạn đã xuất viện về nhà điều trị. Đến nơi thăm người ốm nặng mà sao các bạn vẫn không quên chuyện cười . Lại cười vì cười là 10 thang thuốc bổ mà. Hoa lò xo mở màn bằng liệu pháp xoa bóp hai chân Thương. Kim Anh vội nói : Ấy ấy đừng xoa chân trái cũng đừng xoa chân phải, mà phải xoa chân…
Thương nằm đang chuyền nước cũng phải phì cười. Kim Quy hỏi nhỏ : Rảnh không Thương? Cái lắc đầu của Thương trông tội nghiệp làm sao? Mọi người quây quần quanh giường bố Thương nằm chọc ghẹo đủ trò . Bây chừ chỉ có nụ cười các bạn mới làm cho Thương quên đi bệnh tật và những cơn đau. Mong sao sức khỏe Thương khá lên để còn vi vu cùng các bạn. Nhân vật quan trọng của lớp Viết Dũng nháy lia nháy lịa các hình ảnh các bạn để về đưa lên trang CHS BĐ . Hôm nay trông VD nghiêm chỉnh(?) ghê . Trước lúc chào tạm biệt Thương Lựu hát bài Như một lời chia tay của TCS nhưng không thuộc lời Văn Thành tiếp sức hết bài. Bản nhạc này hát quá sớm không? Mình nghe mà lòng rưng rưng, chợt nhớ đến X…    
     Buổi sáng qua mau, chia tay các bạn hẹn thứ bảy đến lại gặp nhau ở tiệc cưới con trai anh Huỳnh Chí Thành. Cuộc sống vẫn thế . Vui và buồn bao giờ cũng song hành

       Mong rằng tình thân chúng mình mỗi ngày thêm bền chặt. Hãy cứ vui chơi cuộc đời các bạn nhé!

                              Sáng CN 24/8/2014
                                  Ghi nhanh
                                      HV     

Thứ Năm, 21 tháng 8, 2014

Sắc màu mùa Thu

(Photo Công Lý, Hồng Việt và Viết Dũng)



Huỳnh Kim Quy
Nguyễn Kim Dung
Hoàng Kim

Hạnh Nguyễn

Ngọc Hường




Trinh Nguyễn & Hường Kim
Hà Thái & Bê Hoa


Thanh Tâm