Thứ Hai, 27 tháng 4, 2015

TRƯỜNG BỒ ĐỀ VÀ ĐẠO PHẬT TRONG TÔI


Trong hầu hết các lớp học ở trường Bồ Đề, lớp nào cũng có một, hai hoặc ba chú tiểu hay còn gọi là giới tử , được gởi tới từ các chùa trong thành phố.Cùng lớp nên chúng tôi cùng trang lứa mười hai mười bốn tuổi, nhưng ngay từ nhỏ, những tu sĩ tương lai ấy đã có tư chất hồn hậu, họ không nghịch ngợm, họ nhu mì , những tính cách  không phải tự ti mặc cảm, hay lạc lỏng ,  khác với chúng tôi , những học sinh của đời thường, hiếu động, sân si .ganh đua nhau từng điểm môn học và ít nhiều lãng mạn. Có lẽ nhờ việc học Phật pháp song song với chương trình phổ thông bình thường, nhất là các chú sống gần gũi chư tăng trong chùa nên ngay từ tấm bé đã tĩnh tâm tĩnh tại.
Ngày ấy,Thầy Xuân Thanh dạy Pháp văn nhưng có lẽ ít ai biết Thầy là một cây đại thụ của môn Duy Thức học. Thầy Xuân Thanh nhận giảng môn học nầy cho lớp tu sĩ trẻ và thường xuyên luận bàn đạo pháp với các chư tăng lớn tuổi. Con trai Thầy học cùng lớp tôi nên tôi thường cùng bạn theo thầy lên Viện Phật học Phổ Đà, nơi Thầy Thích Từ Mẫn ngày ấy là viện trưởng. Ngay từ những năm sau lăm, sáu tám chùa Phổ Đà đã xứng đáng là một  Phật học viện với khuôn viên chùa yên bình, thanh thoát, với những tủ sách phật học đáng kể ,cùng với những tu sĩ trẻ tu học rất nghiêm trang. Riêng cốt cách của Thầy Từ Mẫn, dáng người đầy đặn, nước da trắng hồng với đôi kính cận, Thầy đi đứng khoan thai, nụ cười bao dung tự tại, những hình ảnh ấy cho tuổi thơ tôi một niềm kính trọng sâu sắc.
Thời mới lớn, dù thường nghe giảng, nhưng tôi chẳng hiểu gì về cái gọi là Duy Thức học ấy. Có lúc tôi cũng tò mò đọc các bài pháp luận của Thầy nhưng càng đọc càng thấy xa vời bí hiểm. Cho đến một hôm, Thầy Xuân Thanh chỉ một đóa hoa vừa nở trong sân chùa và hỏi các tu sĩ trẻ rằng hoa nầy có đẹp không, người thì trả lời đẹp, người chê xấu, nhiều ý kiến khác nhau, lúc bấy giờ Thầy mới giảng rằng hoa đẹp hay xấu là do ta nhìn nhận nó, là ý thức của ta về nó chứ bản thân chính nó không hề có ý thức về đẹp xấu.Vì vậy, các chú có nhìn cảnh vật bên ngoài thì đừng duyên theo nó, cũng đừng để nó duyên theo vì thực tế đó chỉ là thức ảo của ta đối với cảnh và của cảnh đối với ta thôi. Đó là bài Duy Thức học Phật Gíao đầu tiên của đời tôi.
Ngày nầy qua ngày khác ,từ lan can của tầng hai, tôi chăm chú nhìn các Thầy vừa là Tu Sĩ  ,từ văn phòng phía đôi diện đi qua khoảng sân rộng để lên thang lầu vào lớp mà sinh lòng kính mến. Tôi còn nhớ rõ dáng đi, nụ cười của từng vị Thầy , tuy mỗi người mỗi cốt cách nhưng đều cùng điểm chung là lòng từ hòa tỏa ra nơi họ.Tôi chưa hề thấy họ giận dữ ,cũng không hề thiên vị với bất kỳ học sinh nào .
Rồi tôi cũng lớn lên,cũng trưởng thành dần. Trên đường đời, tôi quen biết nhiều chùa, kết bạn với nhiều chư tăng vừa Phật Gíao Bắc Tông, vừa Nguyên Thủy. Có nhiều khi tôi tự hỏi vì sao tôi cứ có khuynh hướng gần gũi với Phật pháp ,có nhiều bạn là Sư mà bạn bè cùng thời không có. Thậm chí, chân thành mà nói,hình ảnh trường Bồ Đề đã phai mờ trong ký ức tôi, bài ca Phật Giao từng hát mỗi buổi sáng thứ hai tôi đã quên , quên từ thời niên thiếu, lúc chuyển sang trường khác .Cộng thêm cuộc lữ hành khắc nghiệt như đã bứng tôi ra khỏi những kỷ niệm thân thương đầu đời. Rồi ,tôi cũng ngộ ra, như thể được ý quên lời , được cá quên nơm  rằng , đền đài cung điện có thể tiêu vong nhưng hồn của nó vẫn mãi hiển linh. Cái hồn của trường Bồ Đề trong sâu thẳm của tôi là những chú tiểu ngày xưa ấy, mà sau những cơn binh biến có người đã hoàn tục, lấy vợ sinh con, cơm áo không kém phần nhọc nhằn nhưng dù có ra lăn lưng với đời phiền trược nhưng mỗi lần gặp lại nhau trên đường, sau ít nhiều mừng tủi, họ vẫn giữ giọng nói , nụ cười đôn hậu, còn những người theo đến cùng hạnh nguyện của mình ,tiếp tục tu hành trong các chùa đâu đó, cũng vẫn tỉnh táo bước đi giữa phong ba cuộc sống .Tôi trân trọng cả hai cảnh đời. Cái hồn Bồ Đề trong tôi còn là những bóng áo tu thấp thoáng mỗi ngày trong khoảng sân rộng trước khi lên lầu vào lớp,ngày xưa tôi còn bé , những bóng áo như chủng tử lặng lẽ huân tập mỗi ngày một ít vào sâu trong tiềm thức tôi . Những người mặc nó mang thân tứ đại ,còn lại không nhiều , đã rã rời ,hoặc một ngày kia rã rời ; không sao cả, là quy luật của hữu hạn ,nhưng cái tinh anh của họ luôn định hướng dòng đời tôi. Cái tinh anh ấy có phải là Duy Thức không, hay là Phật Tâm, hoặc lý nhân quả, thật tình tôi không sâu sắc phân tích. Chỉ biết là tinh anh huân tập ấy cho đến nay giúp tôi  sống nhẹ nhàng, không chấp trước. Tôi cũng tin rằng tôi đến nhẹ nhàng thì sẽ ra đi nhẹ nhàng, nhưng tôi cũng hiểu nếu vướng họa nghiệp thì không sức mạnh nào cứu tôi được cả. Cái khung của hẹp chỉ từng người một đi qua , tôi cũng sẽ đơn độc, dũng cảm và thuận nhận đi qua.  
Nguyễn Cư.






Chủ Nhật, 19 tháng 4, 2015

.VÀI NÉT VỀ LỚP HỌC PHÁP VĂN (1968 - 1975)
                                                           Phạm Xuân Quang

          Vào sau muà hè 1968 những học trò Tiểu học ( hoặc bố mẹ) chọn tiếng Pháp làm sinh ngữ chính vào học đệ thất. Ban đầu lớp đệ thất ấy có bao nhiêu học trò, nhiều người đã không còn nhớ. Những năm tiếp theo có thêm một số học trò nữa đến từ các vùng quê nghèo bị chiến tranh tàn phá. Đến năm lớp 9 (lúc này không còn gọi lớp đệ tứ) sỉ số lớp đã gần một trăm bạn. Vào năm lớp 9 có vài bạn về quê tham gia cách mạng (Nguyễn Nhỏ - đã hy sinh), một số bạn bị bắt bỏ tù cùng vố một số bạn các lớp khác vì tham gia phong trào đấu tranh của học sinh sinh viên  (Nga, Tuyết...)
          Cuối năm học lớp 9, một số bạn rời trường đi học tại các trường khác trong thành phố như trường Phan Châu Trinh, trường Ngoại Ô (sau này là Thái Phiên), trường Đông Giang (sau này là Hoàng Hoa Thám), trường Hòa Vang (sau này là Ông Ích Khiêm) cũng có bạn vào Trường Kỹ thuật Cao Thắng ( sau này là Cao đẳng kỹ thuật Đà Nẵng).
           Khi vào trung học đệ nhị cấp (cấp ba bây giờ) hầu hết đều học tiếp tục vào các lớp 10B1, B2, B3, A1, A2, A3. Nhưng đến tiết học Ngoại Ngữ thì được trở lại học chung (Sinh ngữ Pháp là chính, sinh ngữ Anh là phụ). Cũng trong thời gian từ lớp 9 đến lớp 12 đó, ngoài việc học văn hóa theo chương trình chung, các bạn còn rủ nhau làm một số tờ báo tường (bằng vải) như tờ Tự Lực, tờ Sao Đêm; có vài bạn sáng tác, in và phát hành tập thơ “ Mỏi mòn hơi thở”, “Tình đất”, tham gia thuyết trình  toàn trương; ....cũng có bạn bị đuổi học vì cho là chống chào cờ trong buổi chào cờ sang thứ  hai đầu tuần,  một số bạn tham gia chiến tranh (kể cả hai phía: Hòa, Lộc, Phụng…. ).
          Khi thành phố được giải phóng, nhiều bạn tiếp tục học để thi tú tài và sau đó vào một số trường Đại học, một số bạn theo gia đình về quê....và nhiều bạn sau khi tham dự các khóa  học cấp tốc, trường Sư phạm đi dạy học tại các trường trong toàn tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng, một số bạn làm nhiều việc để kiếm kế sinh nhai do khó khăn cụ thể sau chiến tranh;  một số bạn đi nước ngoài theo gia đình, một số bạn đã định cư ở các tỉnh, thanh phố khác. Đến nay, hầu hết vào tuổi sáu mươi,”lên chức” ông, bà.
          Từ những ngày rời trường (1975) các bạn cũng liên hệ với nhau, lúc đầu là một nhóm khoảng chừng 20 bạn  có gia đình ở quanh khu vực chùa Tỉnh Hội, những người có công lớn trong việc kết nối bạn bè như  Dương Hiển Bảo, Huỳnh Thị Mai, Ngô Hủy, Hà Phú, Trần Ngọc Dũng.... Vào năm 1986, cách đây 30 năm, đã tổ chức một cuộc họp toàn thể quy mô lớn tại Công viên 29/3 Đà Nẵng.  Sau đó được tổ chức gặp mặt toàn thể hàng năm . Gần đây, từ đầu năm 2014 qua cuộc họp mặt đã cũng cố ban liên lạc. Dù ở đâu, làm gì, hoàn cảnh cụ thể của từng bạn có khác nhau nhưng vẫn nhớ về thầy xưa bạn cũ. Vẫn nhắc đến các thầy Đặng Linh, Văn Hiên, Nguyễn Phúc, Đặng Công Hanh, Bữu Ngô, Tăng Nga, Đặng Tuyên, Võ Khức Giai….Tâm niệm của lớp là gặp nhau để ôn lại một thời tuổi trẻ, nhắc nhở nhau sống tốt quý yêu bạn cũ, trường xưa.
        Nhân dịp 40 năm ngày rời mái trường  gắn liền với tuổi thơ đầy kỷ niệm của cựu học Bồ Đề Đà Nẵng, xin góp thêm một số thông tin để nhớ và tìm về./.


Thứ Bảy, 18 tháng 4, 2015

TÌM VỀ

.Tìm về Đà Nẵng một chiều mùa Hạ
Lặng lẽ bồi hồi đứng trước cổng trường xưa
Cố hình dung tìm tòi trong trí nhớ
Những vui buồn của một thời đi học
Bao kỷ niệm cứ ùa về trong nuối tiếc
Trông xa xôi ,nhưng thương nhớ vẫn đong đầy
Ngày đó tuổi mình răng dại khờ rứa hỷ
Thích một người mà chẵng dám nói ra
Để bây giờ cứ mãi xót xa
 Nhưvang vãng đâu đây lời hờn ,lời trách
Cố đưa tay vén từng ngóc ngách
Biết đâu còn một chút kỷ niệm xưa
Một thoáng đong đưa trong tà áo trắng
Nhưng sân trường vẫn im ,vẫn lặng
Bởi ngày xưa đả qua quá lâu rồi
Áo bui đời cũng đả thay nhiều bận
Tócngã màu trắng bạc như sương
Gió thổi nhẹ lung lay rơi cánh phượng
Chợt tỉnh,ngày đó ,giờ đây đâu còn nữa
Sao nghe trong Ta dạ cứ bùi ngùi
Như có chút gì mặn măn ở đầu môi
Chiều tắt nắng bao giờ không biết nữa
Chợt nghe sau lưng có tiếng quát của người
 Làm gì mà thẫn thừ cản đường cản lối
Thì ra Ta quờ quạng mất rồi
                                          Nguyễn Hồng Sơn
                                                          10b4


Thứ Ba, 14 tháng 4, 2015

.HỒN TRƯỜNG TÔI.

Mười lăm mười sáu tuổi đời.
Bồ Đề tôi học bây giờ còn đây.
Nhớ trường, nhớ lớp, nhớ Thầy,
Lời cô êm dịu bao ngày khắc ghi.
Vào đời mấy chục năm ni,
Cuống cuồng cuộc sống ra đi bao miền.
Nhưng quên sao đươc mà quên.
Bài học đạo lý ở trên đời này.
***
Còn đây cái tuổi sáu lăm,
Thế mà đã cách "năm mươi năm rồi."
Nhớ trường nhớ hết thầy cô.
Bạn bè thôi tuyệt, tin cô thầy mừng.
Gặp nhau tay bắt mặt mừng,
Bạn tôi: "Trung học Bồ Đề ngày xưa".

Lê Đức Dục CHS NK 64-70
 Sài Gòn



Thứ Hai, 13 tháng 4, 2015

KÝ ỨC TRƯỜNG XƯA

             Bồ Đề- ngôi trường thân yêu của tôi nằm trên đường Quang Trung. Có hàng cây kiền kiền cao to, lá xanh thẫm. Hàng cây này đã chứng kiến bao niềm vui nỗi buồn của tôi và các bạn trong những tháng ngày học dưới mái trường Bồ Đề.
Trường tôi do đại đức Thích Minh Tuấn làm hiệu trưởng. Thầy là một hiệu trưởng nghiêm khắc, khuôn khổ nhưng giàu tình cảm, chúng tôi vô cùng yêu quý kính trọng thầy.
Dạo đó nữ sinh Bồ Đề cũng như các trường Trung học ở Đà Nẵng đi học mặc áo dài trắng, chúng tôi đi học về thường đi bộ dưới bóng mát của hàng cây kiền kiền, tâm sự chuyện trò rôm rả, vui vẻ. Các bạn nam học trường Kỹ thuật trêu chúng tôi là "Bò Đẻ" và chúng tôi chọc lại là "Ruồi Xanh"...
Ngày xưa đi học tôi rụt rè, nhút nhát. Mỗi lần ra chơi, tôi thường ngồi trong lớp với bạn MaiHằng, Nguyễn Thị Vy và những người bạn thân thiết của chúng tôi. Chúng tôi cũng lôi ra từ hộc bàn những thứ đặc sản của học trò như me, ổi, cốc, xoài chấm muối ớt. Cứ như vậy, giờ ra chơi là nhóm tôi tha hồ nhậu đến hết giờ luôn. Nhất quỷ nhì ma thứ ba học trò, chúng tôi cũng nằm trong quy luật đó, những trò nghịch ngợm như viết giấy dán lên lưng áo bạn, cột tà áo dài, đặc biệt dành để thư dưới hộc bàn cho xuất sau…Thời gian cứ thế trôi qua, chúng tôi chơi thật hăng say mà học cũng thật chăm chỉ, luôn thi đua giúp đỡ nhau học thật tốt.
     Lên lớp 8, tôi thường cúp cua đi chơi, có lần bị xe đụng phải vào bệnh viện khiến gia đình tôi một phen hú vía..Năm lớp 9 cô Ngân Hà một giáo viên tôi yêu thương nhất đã chuyển công tác, cả lớp buồn khóc chia tay cô. Tôi xúc động hát tặng cô bài “ Một người đi”(em tiển cô lên đường , chiều hôm nay sao buồn quá….)
     Năm lớp 12 thầy Cát VănUẩn dạy Anh văn,thầy rất đẹp trai và rất nghiêm khắc ; thầy thường gọi tôi lên kiểm tra bài, tôi rất sợ. Chính năm đó kinh tế gia đình tôi sa sút, tôi rất ngại khi xin tiền ba đóng học phí. Tôi chán không muốn đi học nữa, ngồi trong lớp nhìn qua cửa sổ, tôi thì thầm:”Kiền kiền ơi, ta buồn lắm, kinh tế gia đình khó khăn, ta không muốn làm gánh nặng cho ba; ta phải nghỉ học nửa chừng thôì buồn quá, tiếc quá. Kiền kiền ơi! Làm sao đây”. Nước mắt tôi ứa ra. Tôi suy nghĩ hoài và mất ngủ. Cuối cùng quyết định xin ba nghỉ học. Bạn bè rất tiếc cho tôi, cứ đến khuyên răn an ủi, động viên tôi đi học nhưng tôi đã quyết. Tôi từ giả mái trường với những kỉ niệm của một thời đi học thơ mộng.
              Đất nước hoà bình 2 miền Nam Bắc . Tôi học Sư phạm 1 năm . Ra trường tôi được về trường An Hải Bắc và 5 năm sau tôi được về dạy trường Nguyễn Huệ  chính là ngôi trường Bồ Đề thân yêu của tôi ngày nào. Đến năm 1989 trường cấp I. II Nguyễn Huệ tách riêng 2 cấp, tôi chuyển về trường Hoàng Văn Thụ rồi về Lê Lai. Công việc giảng dạy bận rộn, soạn bài, dự giờ, đồ dùng dạy học, chủ nhiệm lớp, phụ đạo bồi dưỡng học sinh …cuốn hút tôi nhiều lúc cơn mưa rào ập đến, một bài hát, một cơn gió thoảng lá vàng xào xạc, tôi lại nhớ quay quắt trờng lớp học ngày xưa thầy cô , bạn bè tràn ngập kỉ niệm. Tôi thầm nghĩ:”Nếu có ước muốn trong cuộc đời này xin có ước muốn cho thời gian trở lại”
                 Cuối cùng tôi thầm cầu mong thầy cô kính yêuvà các bạn của tôi tràn ngập niềm vui hạnh phúc,manh khoẻ, an vui, thành đạt trong cuộc sống.
                                         Hồ Thị Mỹ Lý
                                     Niên khoá 64-72

Thứ Tư, 8 tháng 4, 2015

Mừng ngày thành lập trường

                                                             Văn Phong Hồ

Thứ Hai, 6 tháng 4, 2015

TIỄN ĐƯA

 ·
Tiễn đưa chân người viễn xứ 
Ta còn chi một nụ cười hồng
Tiễn đưa một người sơ ngộ 
Uống cạn chén mừng , chén rượu Phương Đông
Mai người đi vườn xưa cỏ mọc
Về phố thành nhớ núi ta lên
Đá dựng ngàn năm hoang đường khói dốc
Nhìn thăng trầm, biển khóc tình duyên
Chung trà cũ quê vườn sương sớm
Nhớ đêm nào đêm ngộ cố tri
Đây đòan tụ mà ai chia biệt .
Hương lan rừng vượt núi ra đi .
Kiếp tha hương là thành xây cổng kín .
Cuộc ly tan mà thắm nghĩa cựu cùng .
Gío vô trụ mười phương tím ngắt .
Gịot trăng vàng lá đọng hiên trung .
Bao Dong – CHS Bồ Đề 64-70

Thứ Sáu, 3 tháng 4, 2015

ĐỘC THOẠI SÔNG HÀN

Trăng có niềm riêng qua lạnh sông

Thờ ơ chiếc bóng rụng nao lòng

Cúi soi dòng nước trôi vô tận

Chẳng biết mình hay bóng rỗng không

 

TẢN MẠN CUỐI HÈ

Sợi tóc vướng vào anh

Ngày thường khi hóa sóng

Chiều thường khi rất vắng

Cuối mùa hoa đỏ đất

Khói sương pha tóc sầu

Phố nhỏ cuộc tình không

Đi về một cõi phố

Cõi lòng giờ nơi đâu        

 

                      Dương Đăng Lợi    



Thứ Năm, 2 tháng 4, 2015

.DƯỚI MÁI BỒ ĐỀ


Năm mươi năm tưởng đã nhạt nhòa
Giờ sao màu phượng ngập tràn tim
Tìm nhau, sống lại giòng lưu bút
Nhìn nhau, nhớ chút tuổi học trò
Nhớ chút tình xưa tuổi học trò
O đó tên gì xưa xinh lắm
Muốn quen e ngại chẳng dám nhìn
Ôm tình thầm lặng tôi theo bước
Nhớ lắm tình xưa tuổi học trò
Tôi anh đâu phải mình chung lớp
Giờ gặp lại nhau đã lục tuần
Nhìn nhau cùng nhớ chuyện học trò
Nhớ lại ngày xưa tuổi học trò
Thầy cô cũ, ai còn, ai mất
Bảng đen, phấn trắng, sân trường đó
Dáng dấp ngày xưa lại hiện về
Dưới mái Bồ Đề mình đã ra đi
Bốn phương tám hướng lại quay về
Tập họp nhau đây ôn chuyện cũ
Năm mươi năm sống lại một ngày
Chau Nga Le (NK 64-70)