Thứ Hai, 27 tháng 4, 2015

TRƯỜNG BỒ ĐỀ VÀ ĐẠO PHẬT TRONG TÔI


Trong hầu hết các lớp học ở trường Bồ Đề, lớp nào cũng có một, hai hoặc ba chú tiểu hay còn gọi là giới tử , được gởi tới từ các chùa trong thành phố.Cùng lớp nên chúng tôi cùng trang lứa mười hai mười bốn tuổi, nhưng ngay từ nhỏ, những tu sĩ tương lai ấy đã có tư chất hồn hậu, họ không nghịch ngợm, họ nhu mì , những tính cách  không phải tự ti mặc cảm, hay lạc lỏng ,  khác với chúng tôi , những học sinh của đời thường, hiếu động, sân si .ganh đua nhau từng điểm môn học và ít nhiều lãng mạn. Có lẽ nhờ việc học Phật pháp song song với chương trình phổ thông bình thường, nhất là các chú sống gần gũi chư tăng trong chùa nên ngay từ tấm bé đã tĩnh tâm tĩnh tại.
Ngày ấy,Thầy Xuân Thanh dạy Pháp văn nhưng có lẽ ít ai biết Thầy là một cây đại thụ của môn Duy Thức học. Thầy Xuân Thanh nhận giảng môn học nầy cho lớp tu sĩ trẻ và thường xuyên luận bàn đạo pháp với các chư tăng lớn tuổi. Con trai Thầy học cùng lớp tôi nên tôi thường cùng bạn theo thầy lên Viện Phật học Phổ Đà, nơi Thầy Thích Từ Mẫn ngày ấy là viện trưởng. Ngay từ những năm sau lăm, sáu tám chùa Phổ Đà đã xứng đáng là một  Phật học viện với khuôn viên chùa yên bình, thanh thoát, với những tủ sách phật học đáng kể ,cùng với những tu sĩ trẻ tu học rất nghiêm trang. Riêng cốt cách của Thầy Từ Mẫn, dáng người đầy đặn, nước da trắng hồng với đôi kính cận, Thầy đi đứng khoan thai, nụ cười bao dung tự tại, những hình ảnh ấy cho tuổi thơ tôi một niềm kính trọng sâu sắc.
Thời mới lớn, dù thường nghe giảng, nhưng tôi chẳng hiểu gì về cái gọi là Duy Thức học ấy. Có lúc tôi cũng tò mò đọc các bài pháp luận của Thầy nhưng càng đọc càng thấy xa vời bí hiểm. Cho đến một hôm, Thầy Xuân Thanh chỉ một đóa hoa vừa nở trong sân chùa và hỏi các tu sĩ trẻ rằng hoa nầy có đẹp không, người thì trả lời đẹp, người chê xấu, nhiều ý kiến khác nhau, lúc bấy giờ Thầy mới giảng rằng hoa đẹp hay xấu là do ta nhìn nhận nó, là ý thức của ta về nó chứ bản thân chính nó không hề có ý thức về đẹp xấu.Vì vậy, các chú có nhìn cảnh vật bên ngoài thì đừng duyên theo nó, cũng đừng để nó duyên theo vì thực tế đó chỉ là thức ảo của ta đối với cảnh và của cảnh đối với ta thôi. Đó là bài Duy Thức học Phật Gíao đầu tiên của đời tôi.
Ngày nầy qua ngày khác ,từ lan can của tầng hai, tôi chăm chú nhìn các Thầy vừa là Tu Sĩ  ,từ văn phòng phía đôi diện đi qua khoảng sân rộng để lên thang lầu vào lớp mà sinh lòng kính mến. Tôi còn nhớ rõ dáng đi, nụ cười của từng vị Thầy , tuy mỗi người mỗi cốt cách nhưng đều cùng điểm chung là lòng từ hòa tỏa ra nơi họ.Tôi chưa hề thấy họ giận dữ ,cũng không hề thiên vị với bất kỳ học sinh nào .
Rồi tôi cũng lớn lên,cũng trưởng thành dần. Trên đường đời, tôi quen biết nhiều chùa, kết bạn với nhiều chư tăng vừa Phật Gíao Bắc Tông, vừa Nguyên Thủy. Có nhiều khi tôi tự hỏi vì sao tôi cứ có khuynh hướng gần gũi với Phật pháp ,có nhiều bạn là Sư mà bạn bè cùng thời không có. Thậm chí, chân thành mà nói,hình ảnh trường Bồ Đề đã phai mờ trong ký ức tôi, bài ca Phật Giao từng hát mỗi buổi sáng thứ hai tôi đã quên , quên từ thời niên thiếu, lúc chuyển sang trường khác .Cộng thêm cuộc lữ hành khắc nghiệt như đã bứng tôi ra khỏi những kỷ niệm thân thương đầu đời. Rồi ,tôi cũng ngộ ra, như thể được ý quên lời , được cá quên nơm  rằng , đền đài cung điện có thể tiêu vong nhưng hồn của nó vẫn mãi hiển linh. Cái hồn của trường Bồ Đề trong sâu thẳm của tôi là những chú tiểu ngày xưa ấy, mà sau những cơn binh biến có người đã hoàn tục, lấy vợ sinh con, cơm áo không kém phần nhọc nhằn nhưng dù có ra lăn lưng với đời phiền trược nhưng mỗi lần gặp lại nhau trên đường, sau ít nhiều mừng tủi, họ vẫn giữ giọng nói , nụ cười đôn hậu, còn những người theo đến cùng hạnh nguyện của mình ,tiếp tục tu hành trong các chùa đâu đó, cũng vẫn tỉnh táo bước đi giữa phong ba cuộc sống .Tôi trân trọng cả hai cảnh đời. Cái hồn Bồ Đề trong tôi còn là những bóng áo tu thấp thoáng mỗi ngày trong khoảng sân rộng trước khi lên lầu vào lớp,ngày xưa tôi còn bé , những bóng áo như chủng tử lặng lẽ huân tập mỗi ngày một ít vào sâu trong tiềm thức tôi . Những người mặc nó mang thân tứ đại ,còn lại không nhiều , đã rã rời ,hoặc một ngày kia rã rời ; không sao cả, là quy luật của hữu hạn ,nhưng cái tinh anh của họ luôn định hướng dòng đời tôi. Cái tinh anh ấy có phải là Duy Thức không, hay là Phật Tâm, hoặc lý nhân quả, thật tình tôi không sâu sắc phân tích. Chỉ biết là tinh anh huân tập ấy cho đến nay giúp tôi  sống nhẹ nhàng, không chấp trước. Tôi cũng tin rằng tôi đến nhẹ nhàng thì sẽ ra đi nhẹ nhàng, nhưng tôi cũng hiểu nếu vướng họa nghiệp thì không sức mạnh nào cứu tôi được cả. Cái khung của hẹp chỉ từng người một đi qua , tôi cũng sẽ đơn độc, dũng cảm và thuận nhận đi qua.  
Nguyễn Cư.






Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét