Thứ Ba, 26 tháng 8, 2014

Chuyện cổ tích đong đưa.

        Lần gặp đầu tiên, chị cười với bé con. Bé con ngượng nghịu nắm chặt tay mẹ nhưng chợt lại buông và khoanh tay: “Trình bà, con đi học”. Ôi cái chữ “trình” lạ lẩm làm cho chị chợt bối rối trong ý nghĩ và quên vẫy tay chào hai mẹ con. Lần sau và lần sau nữa thì đã quen. Quen, nhưng vẫn luôn ấn tượng với chữ “trình” của con bé.
        Con bé với mái tóc bom bê, cứ sáng trình và chiều về lại trình, khi gặp: trình bà, con đi học về. Chị tơ tưởng mãi với cái chữ mà từ lâu, chưa nghe nói lại trong đời sống thường ngày. Ngừơi ta thường bắt đầu với chữ thưa.
        Chị cũng không tìm hiểu, con bé cùng mẹ đi từ đâu qua đây. Chắc chắn là hai mẹ con băng qua con ngõ nhỏ, từ đường Paster qua Lê Duẩn, để cho ngắn một quãng đường, và vì bóng râm những mái nhà san sát nhau. Là hai mẹ con kẻ lạ.
        Thuở còn ở lớp đồng ấu, trường làng. Cô giáo của chị thuở đó, luôn nhịp nhịp cây thước dài lên bàn, không dạy chữ nhiều nhưng luôn nhắc đến chuyện tiên học lễ. Ở nhà thì đi thưa, về trình. Ở trường phải lễ phép với thầy cô. Ra đường phải biết chuyện lễ phép dạ, thưa, chào kính cụ già, giúp đỡ người cơ nhỡ.
        Chị tưởng tượng rồi hình dung và dựng lên một gia đình tứ đại đồng đường trong khuôn viên rông rãi, còn sót lại ở Đà Nẵng này. Một ông cố Hai chửng hơn 80 tuổi, một cặp vợ chồng ông nội Ba trạc tuổi 60. Gia đình con bé với ngừơi cha chừng 30. Ông cố Hai,
xưa là một thầy giáo làng, thời buổi loạn ly bỏ núi rừng Trà My xuống phố. Hành trang đem theo là đứa con trai, là ông nội Ba, cùng cuốn Quốc văn giáo khoa thư và Luân lý giáo khoa thư cũ mèm trong tay nải. Phố cũng có tiếng súng nổ đì đùng nhưng đỡ hơn trên núi. Phố cũng có kẻ ngoại bang trên bến sông Hàn hay trong những Bar rượu hay lúc ruồng bố trong những xóm làng có bụi tre, con rạch nhỏ. Tiếng Pháp trình độ primaire đủ để ông cố Hai xin vào chân thư ký của một hãng buôn ở Đà nẵng.
        Không còn làm thầy, ông cố Hai dạy con theo tinh thần Quốc văn giáo khoa thư và Luân lý giáo khoa thư: Cờ bạc là bác thằng bần - Nhất nghệ tinh, nhất thân vinh - Học trò phải biết ơn thầy - Đi một ngày đàng học một sàng khôn - Chỗ quê hương đẹp hơn cả…
        Cuộc đời cứ mãi như thế. Sau cuộc chiến, đứa con, là ông nội Ba, mang theo cái tâm luân lý giáo khoa thư đi làm ăn. Rồi trời thương , tạo nên sự nghiệp, mua nhà, tậu vừơn trong quê cho ông cố Hai ,lâu lâu về thăm cố hương, đất tổ. Bụi tre lại vươn lên cao và mùi quế Trà My thoang thoảng trong gió.
        Ông cố Hai một thân một mình, ở vậy nuôi con. Con thành người lấy vợ sinh ra, cũng thằng Hai độc đinh, như trong dòng họ.

              Thằng Hai cũng như ông Ba, cha nó, thấm nhuần những nội dung Quốc văn cùng Luân lý giáo khoa thư trong ý nghĩ và
trong cuộc sống. Nếp nhà dần hình thành trong bối cảnh cuộc sống thanh bình. Những lực cộng hưởng gian xảo và những xung lực điêu ngoa trong giao dịch hàng ngày vẫn không làm cho hai cha con quên được hình ảnh ông cố Hai ngồi trước hiên nhà, giở từng trang sách ố vàng, quăn góc. Ông cố Hai không còn sức để nói và đọc nhưng cái hồn của trang sách in dấu trên cái nhíu mày cam chịu và cái nhìn xa vắng của ông và hai cha con ông Ba cảm thấy, mình đang có chút lỗi lầm.
        Con bé là chắt của ông cố Hai già cỗi. Hai ông cháu ở nhà nói chuyện bi bô. Ông cố Hai dạy chắt chữ “trình”, là cái chữ quen thuộc ở quê mình, thay cho chữ “thưa” ở nơi phố thị.
       Chị lẩn thẩn nghĩ ngợi và cố dựng lên một câu chuyện đời, có thể không còn ở phố Đà Nẵng năm 2014. Có hề chi! Chị chỉ tửơng tượng cho riêng chị, một câu chuyện cổ tích trong đời thường đã nhiều thay đổi. Thay đổi tự bên trong bản chất đạo đức và thay đổi trên nền áo xống, cái cười, cách nói bên ngoài. Có thể buổi tối, vợ ông nội Ba bên trên, đến vũ trường nhảy một điệu và nâng ly rựơu nhẹ lên môi. Có thể ông Ba hay đứa cháu nội Hai, thi tranh giải karaoke với các chiến hữu làm ăn. Có hề gì! Thời thế đã đổi thay! Sống như thế này mới đáng sống. Phải biết hưởng thụ !
        Con bé con, mái tóc bom bê đã nghỉ hè. Chắc thế, vì mỗi chiều qua đều vắng bóng hai mẹ con. Chị lại thấy một chút gì trống vắng bởi không có tiếng trình, thưa trong trẻo. Mỗi chiều, khi không có
chuyện gì làm, chị lại đơm đặt thêm cho câu chuyện cổ tích của mình thêm phần kỳ bí. Bộ sách Quốc văn cùng Luân lý giáo khoa thư sẽ để ở đâu, khi ông cố Hai chết? Đặt trong quan taì hay để trên bàn thờ, cho tam đại đồng đường còn lại, mỗi ngày nhìn vào đó để sống sao cho tử tế với đời?
        Nhưng có nhân vật cố Hai trong đời thường của một thành phố nhộn nhịp pha một phần khốc liệt nhởn nhơ trong buổi thăng hoa của nếp sống trọng vật chất, ở nơi này? Chị sẽ rất buồn. Buồn đến nẫu người khi một hôm nào đó, chị cố ý lẽo đẽo theo sau hai mẹ con rồi đối diện với thực tại gia đình của hai mẹ con con bé . Một căn phòng trọ trong một kiệt nhỏ tối tăm ở đường Hùng Vương hay Ngô gia Tự, có tiếng lè nhè của một người đàn ông ở độ tuổi trung niên đang hồi bỉ bã và tiếng chưởi chồng the thé ,có thể cứa nát trái tim mình. Bởi chuyện cổ tích của chị cứ phải đong đưa. Đong đưa theo ngày tháng. Theo cái bước chân của con bé con và cái nhìn của người mẹ trẻ. Một khoảng không trước mắt, có một tương lai tươi sáng cho đứa con mình.
        Thôi thì thôi! Chị bảo chị cứ mãi phiêu du và đong đưa với câu chuyện cổ tích của mình đi. Và hãy cho nụ cười, với đường cong trên môi, sẽ biến mọi thứ thành đường thẳng. Nhìn vào thực tại mà chi, khi hồn người đã không còn nơi trú ẩn.



                                                                             Hoa Trần

1 nhận xét:

  1. Ngậm ngùi.
    ' Những người muôn năm cũ
    Hồn ở đâu bây giờ? "
    Nhìn vào thực tại mà chi, khi hồn người đã không còn nơi trú ẩn.
    Đúng là không còn nơi trú ẩn.
    Buồn buồn . Và quá buồn

    Trả lờiXóa