Thứ Sáu, 6 tháng 2, 2015

NHỚ TRƯỜNG BỒ ĐỀ ĐÀ NẴNG


Tôi vẫn thường đi qua con đường Quang Trung, tôi vẫn thường đi qua ngôi trường mang tên Nguyễn Huệ. Một cái gì thân quen làm tôi chú ý, tôi phải dán mắt nhìn vào. . Ngôi trường này còn ghi đậm trong ký ức tôi những kỷ niệm một thời, những tà áo trắng nữ sinh, đồng phục quần xanh áo trắng của nam sinh, những y phục màu xanh lam của các chú điệu, dãy hành lang chật hẹp nhưng thân thương dẫn tôi vào các lớp 12 ban A, 12B.
Tôi không quên được, mãi mãi không quên được, … ngôi trường mang hai tiếng Bồ Đề yêu dấu.
Ngôi trường đó, sau năm 1975 đã đổi tên thành trường cấp 2 Nguyễn Huệ, nhưng nhìn vào, tôi vẫn thấy đó là trường Bồ Đề, chẳng phải vì ở hai cánh cửa cổng còn hai chữ BĐ, chẳng phải vì ngôi trường chưa thay đổi phòng ốc bao nhiêu nhưng chính vì tình yêu của tôi mãi mãi vọng tưởng một thời hoàng kim nay đã bị mất đi, chính vì tâm hồn tôi luôn có một ngôi trường mang tên Bồ Đề hiện hữu.
Tôi tốt nghiệp Cử nhân Giáo khoa Triết Tây phương năm 1972, ra trường được Bộ Giáo dục bổ dụng vào dạy học tại trường Trung học Hòa Vang Đà Nẵng. tuổi đời còn quá trẻ, chưa có kinh nghiệm gì, thế nhưng sau năm 1973, tôi được vào dạy triết tại trường Bồ Đề là nhờ vào sự giới thiệu và chịu trách nhiệm của anh tôi, GS Nguyễn Lương Hiền. Những ngày đầu, tôi hết sức bở ngỡ giữa một tập thể GS dày dạn hơn tôi, lớn tuổi hơn tôi. Tôi vẫn tự nhủ mình phải cố gắng lên để khỏi phụ lòng trước hết là anh tôi và sau nữa là thầy Minh Tuấn, Minh Đàm đã hết lòng tin tưởng anh tôi để tôi giảng dạy tại trường Bồ Đề.
Năm đó, trường Bồ Đề tôi nhớ có tất cả 4 lớp 12: 12A1, 12A2, 12A3, và 12B. Lớp nào học sinh cũng gần 100 người. Bước vào lớp các em HS người nào cũng cao, to, lớn hơn hoặc bằng tôi, ngồi trên bàn GS nhìn xuống tôi thấy các em HS lố nhố tôi đã khớp. Thế nhưng bằng sự tự tin, bằng sự cố gắng để khỏi làm nhiều người thất vọng, tôi đã đứng được trên bục giảng mà không làm cho các em HS chán nãn, buồn ngủ, để có thể dẫn tới tình trạng lớp học bị mất trật tự. Tôi vẫn tự nghĩ, nói chuyện với các em về vấn đề triết học mà các em chịu khó nghe, không bị mất trật tự là coi như thành công, nhất là với những lớp học trên 100 HS.
Và tôi đã dạy tại trường Bồ Đề được gần 2 niên khóa thì xảy ra biến cố 29/3!
Tôi nhớ giữa niên khóa 1974-1975, anh tôi GS, Nguyễn Lương Hiền có nói với tôi: Mi là một GS mới ra trường, còn quá trẻ, lại dạy môn khó như môn triết trong một lớp học đông như rứa mà lớp không bị mất trật tự, chịu khó ngồi nghe giảng bài như vậy là mi thành công. Anh tôi kể, có một GS Phật tử, anh Trần Cao B từ Quảng Ngãi đổi về dạy tại Đà Nẵng, được Giáo hội Phật Giáo VN Thống Nhất Quảng Ngãi giới thiệu về dạy tại Bồ Đề ĐN nhưng thầy Minh Tuấn vẫn không tiếp nhận. Anh tôi nói, vì vậy mi phải hết lòng, cố gắng lên! Anh còn nói, sang niên khóa tới, tau sẽ giao một số giờ tại Phan Thanh Giản cho mi dạy thêm nữa. Tau cần thời gian để viết sách.
Lẽ cố nhiên người tính không bằng trời tính (?), bánh xe lịch sử đã nghiến nát tất cả. Nhưng 2 năm giảng dạy tại trường trung học Bồ Đề đã cho tôi nhiều kỷ niệm dễ thương, đáng nhớ.
Dạo đó, tôi dạy triết 3 nơi: Trường chính là Hòa Vang, và ngoài Bồ Đề, tôi còn dạy một số giờ tại trường Bán Công, do đó những giờ dạy của tôi tại hai trường tư thục, thú thực tôi dạy như chạy xô, nghĩa là đến lớp dạy xong là tôi về, dạy trường khác, ít khi ngồi nói chuyện nhiều với các thầy cô khác mà tôi nghĩ họ là những bậc đàn anh, đàn chị của tôi. Do đó, Gs trường Bồ Đề đông nhưng tôi biết là chẳng bao nhiêu. Tôi chỉ biết một số GS như anh Cát Văn Uẩn, anh Vĩnh Linh, thầy Nguyễn Phúc, anh Phạm Kim Ngọc, anh Đặng Công Hanh, anh Chương (dạy Anh văn), anh Hà Công Bê, đương nhiên thầy Minh Tuấn Minh Đàm thì tôi biết rồi.
Và các buổi họp tại trường Bồ Đề thì thú thật tôi chưa bao giờ tham dự, … nhưng có một lần, hôm ấy anh Hiền bảo tôi phải đi họp hình như là để bàn về phụ cấp thêm cho các GS dạy các giờ ở khối lớp 12 vì HS quá đông (trên 100 em). Và tôi đến họp với mấy thầy. Hôm ấy tôi nhớ là các GS đi họp rất ít nhưng buổi họp thì ngoài thầy Minh Tuấn, Minh Đàm còn có một thầy đại đức nữa phụ trách về tài chính đến dự. Buổi họp hôm ấy có khao thêm món ăn chay, GS đi ít, thầy Minh Tuấn nói: “thôi! Vắng người thì dài đũa “. Ông nhìn tôi và nói:
- Thầy là Tuấn mà tôi cũng Tuấn, vậy chừ biết gọi răng đây hè?
Nhìn nụ cười của thầy Minh Tuấn làm tôi cũng cười theo. Thầy Minh Tuấn bao giờ cũng vậy, có lối nói thật dí dõm.
Buổi họp đi đến kết luận: Những lớp nào trên 60 HS thì số tiền học phí thu được từ HS thứ 61 trở lên sẽ chia đều cho các GS có phụ trách dạy khối lớp 12 cũng như các bộ phận liên quan của nhà trường.
Dòng đời trôi qua, cũng đã 43 năm rồi bạn nhỉ, khi ngồi gõ những dòng chữ này, tôi vẫn hình dung ra không khí lớp học. Các giờ triết của tôi tại trường Bồ Đề thường diễn ra buổi sáng và khi tôi bước lên cầu thang, đi trên dãy hàng lang hẹp, rẽ trái là lớp tôi dạy các lớp 12 ban A, rẽ phải là lớp 12 B. Các giờ triết tôi dạy hẳn là những giờ triết muộn phiền với một số HS nhưng khi tôi kể chuyện để làm rõ bài giảng thì HS ngồi nghe chuyện mắt mở thao láo và khi tôi quay lưng, tôi nghe mấy tiếng cười khúc khích của mấy em nữ sinh bàn đầu.
2 năm dạy học tại trường Bồ Đề Đà Nẵng tôi có được niềm vui là gặp lại thầy Nguyễn Phúc, người thầy mà ngày tôi học lớp đệ thất và đệ lục tại trường trung học Nguyễn Du Huế đã được thầy dạy môn Quốc văn. Ngày đó tôi mê thầy, phục thầy vì thầy dạy kim văn rất hay. Tôi vẫn ước mơ sau này mình sẽ là người nối nghiệp thầy Nguyễn Phúc.
Mười mấy năm sau, tôi ra đời vào dạy tại trường trung học Bồ Đề Đà Nẵng, tôi gặp lại thầy, xiết bao vui mừng. Nhưng sau một vài lần trao đổi, tôi không nhìn ra được thầy Phúc ngày xưa của tôi. Thầy không còn dạy môn Quốc văn nữa mà dạy môn địa lý. Và khi nói chuyện với tôi thầy không có vẻ nồng nhiệt sôi nổi. Tôi buồn và tự nghĩ "Đừng bao giờ tắm hai lần trong một dòng sông"..
Sau này tôi được biết thầy hoạt động nằm vùng.
29 tháng 3 năm 1975, thầy Phúc không còn dạy học nữa và trở thành cán bộ cho đến ngày về hưu.
Cách đây hai năm, gặp thầy Đặng Công Hanh, tôi mới biết thầy đã qua đời, mặc dù hằng năm, họp mặt học sinh Bồ Đề Đà Nẵng, các em vẫn có mời tôi tham dự và gặp thầy Phúc, chuyện trò với ông, nhưng rất tiếc khi thầy qua đời, các em không thông báo để tôi thắp cho thầy nén hương.
Nhớ về thầy Phúc là tôi nhớ về kỷ niệm. Kỷ niệm cách đây hơn 50 năm, ngày ấy tôi là cậu học trò 12 tuổi, nhìn thầy, mơ ước được như thầy.
Như tôi đã nói, bánh xe lịch sử đã nghiền nát mọi ước mơ, mọi vẻ vời tương lai cho từng cá thể. Có thời gian, tôi bỏ dạy, về làm khung xe đạp. Tôi làm một anh thợ hàn, gạt bỏ mọi tư duy, gạt bỏ mọi chuyện thị phi. Tôi làm một anh … hàn sĩ, ừ mà hàn sĩ là thợ hàn!!!
Tôi lấy thế làm hạnh phúc. Ngày lao động, đêm ngủ khì!
Thế nhưng có một buổi tối, hôm ấy khoảng 8 giờ tối, có tiếng gọi:
- Thầy! Thầy Tuấn!
Tôi nhìn ra ngoài, một thanh niên, người tầm thước trung bình, áo quần nghiêm chỉnh.
- Thầy Tuấn, em là HS Bồ Đề đây!
Tôi bước ra sân, mở cửa cho em, mời em ngồi ở ghế có bàn kê sát cửa sổ. Tôi nhìn em HS và nói:
- Thầy xin lỗi em thầy không nhớ tên
- Em là Mai Bằng, HS Bồ Đề học triết với thầy.
- Chào em, em đến thầy chơi hay có việc gì không?
- Dạ em muốn mời thầy uống với em ly bia!
Tôi sững sờ nhìn Bằng, cảm động, Không ngờ giữa đêm hôm khuya thế này lại có một HS đến thăm mình và muốn uống bia với mình.
Tôi nói:
- Chà! Bây giờ đi tôi cũng nhác quá, hay ta uống nước trà cũng được!
- Không thầy! em có mang theo đây! Thầy cho em mượn 2 cái ly.
Bằng nói xong đi ra cửa lấy 2 chai bia mua sẵn để nơi xe Honda. Tôi vào lấy 2 cái ly để trên bàn. Vậy là hai thầy trò cụng ly.
Hôm ấy Bằng kể Bằng đi làm ở Ủy Ban TP, Bằng vẫn biết tôi làm sườn xe đạp. Bằng nói:
- Em đi làm nhà nước nhưng em vẫn nhớ những ngày đi học tại trường Bồ Đề. Em nhớ trường, nhớ thầy.
Tôi cảm động không ngờ một người đi làm với nhà nước XHCN mà vẫn đến với tôi. Bạn nên biết giai đoạn bao cấp, rất căng về chính trị, nhiều lần gặp vài HS mà tôi biết, thấy tôi các em không chào vì sợ ảnh hưởng này nọ, …
Sau này, có lần họp mặt CHS Bồ Đề, tôi có nhắc em Mai Bằng và các HS Bồ Đề cho biết em đã bệnh mà qua đời. Hôm đó tôi nhờ mấy em đưa tôi đến nhà thắp hương cho em.
Tôi gõ những dòng tự sự kể miên man mấy kỷ niệm về ngôi trường Bồ Đề Đà Nẵng, thuở tôi mới ra trường đi dạy đến đây thấy đã dài hơi rồi.
Mong các HS Bồ Đề, các bạn tìm thấy được một vài phút giây lắng đọng tâm hồn.

Thầy Nguyễn Lương Tuấn

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét