Thứ Năm, 12 tháng 3, 2015

Bóng người trong sương

.
                  Hai tháng sau mùa khai giảng năm ấy, một chiều cuối thu thì phải, lớp đệ lục 6 chúng tôi có giờ Văn của Thầy Viên Minh. Không bao giờ quên được dáng đi nhanh nhẹn của Thầy, tay thầy lúc nào cũng cầm cây ba toong ngắn như khúc đoản côn và thầy đi dáng khoái hoạt. Điều đặc biệt khác là thầy rất thường nhai trầu. Từ phòng học tầng hai nhìn xuống thấy thầy chuẩn bị lên lầu là đám học sinh chúng tôi nhào vào bàn,ngồi im thin thít. Thầy không hề đánh đứa nào ,nhưng lớp học có thầy luôn nghiêm trang và tám mươi mái đầu im lặng ngồi nghe bài giảng. 
Chiều hôm ấy Thầy Viên Minh giảng bài “ Bóng người trên sương mù “ của nhà văn Nhất Linh. Cho đến bây giờ,dù đã bước qua ngưỡng của tuổi sáu mươi,tôi vẫn còn thấy rờn rợn khi hồi tưởng lại lúc mà Thầy đọc và giảng từng đoạn của câu chuyện nội dung nói về linh hồn người vợ vừa mất đã tức khắc hiển linh đến giúp chồng tránh khỏi một tai nạn hỏa xa thảm khốc.”..  Xe tiến đến đâu, cái hình người lại đến đấy, có lúc mờ, lúc rõ, lơ lửng giữa lưng trời. Rồi cái hình người ấy vẫy hai tay một cách thong thả, như có ý bảo chúng tôi đừng tiến lên nữa, có sự gì nguy hiểm……..Còn tôi lúc bây giờ hai tai ù như người mất trí khôn: tôi văng vẳng nghe có tiếng người ở thật xa đưa lại, tiếng một người đàn bà bảo tôi:- Đỗ lại ! Đỗ lại !” ( Nhất Linh”.

Ngày xưa ấy tôi học giỏi đều các môn, sau nầy có lúc nhớ lại, tôi tin chắc rằng nổ lực của tôi thật ra chỉ có ba phần ,còn trình độ sự phạm cùng luơng tâm của các thầy tôi đã hết 7,nhờ vậy mà giúp tôi hiểu thấu suốt mọi môn học. Thầy Văn Hiên,thầy Giai dạy toán rành mạch,Thầy Xê dạy hóa, lúc nào học sinh hiểu được giáo khoa ,thông suốt định đề, định lý rồi mới cho làm toán thực hành, từ bài dễ đến bài khó rồi bài tập chuyên sâu, Lời giảng thấm vào máu thịt tôi đến nỗi nhiều năm sau,tôi áp dụng phương pháp của các thầy để giảng cho con cái tôi về vòng tròn nội tiếp, về quỹ tích…..dù tôi không làm nghề thầy giáo.

Thầy Đặng Tuyên dạy Lý. Vẫn còn nguyên trong ký ức tôi,ngày ấy trên bục giảng , thỉnh thoảng thầy cầm hai bên hông chiếc quần tây dài mà kéo lên, không phải vì nó rộng mà thầy làm như thế để biểu lộ sự hài lòng với chính mình khi thấy đám học trò ngồi dưới lớp đã hiểu đoạn bài vừa giảng. Chỉ riêng bài am- pe kế là tôi trả lại cho thầy vì bản tính tôi rất sợ điện giật.

Không thể không nhớ thầy Đặng Linh dáng người to cao, tiếng nói mạnh mẽ giảng rành rẽ từng mẫu văn phạm tiếng Pháp vốn không đơn giản với chúng tôi, trong chiếc cặp thầy mang theo lúc nào cũng có cây thước gỗ vuông, mà có điều lạ là chưa vị thầy nào đánh roi học trò cả, nhưng những cây thước như có uy lực linh thiêng khiến lũ học trò chúng tôi phải khuất phục,thậm chí thầy Đức Tịnh,lúc giận lắm cũng chỉ đánh cây thước xuống bàn là cả lớp học sợ hãi, nín khe, nhất là Thầy Tâm Hòa,dạy vẽ, cũng có cây thước nhưng có làm trái ý Thầy đến đâu ,Thầy cũng cười độ lượng đúng như Pháp hiệu của Thầy.
Và còn nhiều vị ân sư khác nữa, mỗi người là mỗi tinh túy chắt lọc mang cùng cái tâm từ  mẫn mà đi vào máu thịt những người là học trò chúng tôi một thời khờ khạo.

Trách nhiệm của các Thầy cung cấp kiến thức cho chúng tôi vào đời , còn tâm huyết các Thầy giúp chúng tôi khôn lớn. Điều kỳ diệu hơn tất cả mọi điều là dù cho kiến thức,dù cho ký ức có nhạt nhòa theo năm tháng nghiệt ngã của đời người, hoặc mòn vẹt, quên lãng  theo tuổi tác thì cái tâm hướng thiện được thăng hoa từ cốt cách của bao nhiêu vị thầy luôn định hướng tư cách của lũ học trò chúng tôi năm xưa ngơ ngáo, nhiều năm sau sống không hề chệch hướng .Các Thầy luôn là những cái bóng đi bên cạnh đời chúng tôi,như bóng người đàn bà trong sương mù kia đến kịp lúc để giữ chúng tôi khỏi trượt chân giữa đời đầy phiền trược.

Kính yêu về các Thầy trường Trung học Bồ Đề .

Nguyễn Cư .

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét